Hồ sơ doanh nghiệp

Hưng Yên: Dấu hỏi trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách tại huyện Phù Cừ

Công ty TNHH Tiến Ngạn là doanh nghiệp trúng rất nhiều dự án tại huyện Phù Cừ (Hưng Yên), tuy nhiên cũng từ đây dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi trong công tác đấu thầu.

Bất thường trong công tác quản lý, giám sát đầu tư công

Việc UBND huyện Phù Cừ cho xây dựng loạt cây cầu sát nhau cũng khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về công tác sử dụng ngân sách Nhà nước trong hoạt động xây dựng trên địa bàn. 

 Một đoạn đường vài trăm mét tại huyện Phù Cừ nhưng có đến 4-5 cây cầu được dựng lên.

Thêm vào đó nhiều người cũng thắc mắc việc xây dựng một loạt cây cầu thời gian gần đây trên địa bàn huyện Phù Cừ liệu đã hoàn thiện các thủ tục để đấu nối và cấp phép một số công trình cầu vào đường tỉnh 386 và QL 38B hay chưa. Trong đó có một số công trình cũng do Công ty Tiến Ngạn trúng thầu.

 Phần kè tiếp giáp với chân cầu tại huyện Phù Cừ cũng bị nứt vỡ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến kết cấu của công trình, đáng nói cây cầu này đâm thẳng ra ruộng rất ít người sử dụng.

Trong một diễn biến khác, nhiều người dân còn phản ánh công tác quản lý các dự án sau thi công của UBND huyện Phù Cừ có nhiều bất cập. Một số dự án sau khi đưa vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng nhưng hàng tháng trời không được cảnh báo sửa chữa.

Tại công trình Cải tạo nâng cấp ĐH 80 đoạn từ ngã tư cầu Nhật Quang đến giáp địa phận xã Tống Trân huyện Phù Cừ, một phần đường của công trình này bị sụt lún nghiêm trọng, để lộ ra nhiều vấn đề dù mới được đưa vào sử dụng. 

Đoạn đường từ ngã tư cầu Nhật Quang đến giáp địa phận xã Tống Trân huyện Phù Cừ do Công ty Tiến Ngạn thi công, một phần đã bị sụt lún nghiêm trọng.

Vị trí sụt lún nằm cạnh Hạt giao thông và Môi trường huyện Phù Cừ vài bước chân nhưng theo phản ánh của người dân gần đó, vài tháng qua vẫn chưa được xử lý đáng nói vị trí sạt lở này gần ngã tư với mật độ giao thông đông đúc và đặc biệt nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại khu vực ngã tư này khiến nhiều người thiệt mạng. 

Được biết Dự án Cải tạo nâng cấp ĐH 80 đoạn từ ngã tư cầu Nhật Quang (đoạn km2 + 610 (đến giáp địa phận xã Tống Trân (km 7 + 920) huyện Phù Cừ do Công ty Tiến Ngạn thi công.

Cách thi công rãnh chống lún tại một số dự án do Công ty Tiến Ngạn thực hiện có dấu hiệu chưa yêu cầu thiết kế.

Cần làm rõ đường đi của hàng chục nghìn m3 đất lúa, đất hữu cơ từ các dự án Công Ty Tiến Ngạn

 Việc thi công của Công ty Tiến Ngạn có nhiều bất thường cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Không chỉ có dấu hiệu “bớt xén” khi thi công công trình,  theo tài liệu mà phóng viên thu thập được thể hiện nhiều “góc khuất” trong việc sử dụng bảo vệ tầng đất chuyên trồng lúa nước khi thực hiện một số dự án trên địa bàn huyện Phù Cừ mà Công ty Tiến Ngạn là đơn vị thi công như: trong công tác vận chuyển xử lý nguồn đất hữu cơ có dấu hiệu chưa đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu và quy định của pháp luật; Sử dụng một số tài sản công từ công trình này qua công trình khác nhưng có dấu hiệu chưa đúng theo các quy định hiện hành.

Các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần vào cuộc làm rõ số lượng đất lúa tại những công trình mà Công ty Tiến Ngạn trúng thầu và thi công tránh để nguồn tài nguyên này được sự dụng không đúng mục đích gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Cụ thể theo Điều 14 Nghị định 94/2019/NĐ-CP nêu rõ: Tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt thì phải bóc riêng tầng đất mặt đó để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách từ 20 đến 25 xen-ti-mét tính từ mặt đất.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang xây dựng công trình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt. Tại một số dự án mà Công ty Tiến Ngạn thi công số lượng đất lúa và đất hữu cơ có khối lượng bóc tách vận chuyển theo hồ sơ mời thầu là rất lớn.

Tuy nhiên, tại dự án Xây dựng khu tái định cư và Chợ La Tiến để mở rộng khu di tích lịch sử Cây đa và đền La Tiến, xã Nguyên Hòa và đấu giá quyền sử dụng đất lại có dấu hiệu “bật đèn xanh” khi đề xuất đơn vị thi công tận dụng đất đào tầng mặt phạm vi đất lúa san lấp phạm vi trồng cây xanh, dải phân cách đường gom trái với quy định nêu ở trên. Ngoài dự án trên thì Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư số 10 xã Đình Cao, huyện Phù Cừ cũng có tình trạng tương tự.

Dự án Xây dựng khu tái định cư và Chợ La Tiến để mở rộng khu di tích lịch sử Cây đa và đền La Tiến, xã Nguyên Hòa và đấu giá quyền sử dụng đất do Công ty Tiến Ngạn thi công. 

Chính vì thế dư luận cho rằng công tác thanh tra giám sát và quản lý việc tái sử dụng đất lúa, đất hữu cơ ở các dự án mà công ty Tiến Ngạn đang thi công có nhiều bất thường và cần sớm được làm rõ những công trình có nguồn gốc đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn huyện như dự án: Đường tránh QL 38B; Đường trục trung tâm; đường nối từ cụm công nghiệp đến DH85 và một số dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư khác... Bởi chi phí cho việc thi công trên là rất tốn kém ngân sách Nhà nước, nếu nguồn đất lúa, đất hữu cơ không được sử dụng đúng mục đích đề ra thì nguồn lợi trên sẽ rơi vào túi ai?

Dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu gia QSDĐ cho nhân dân làm nhà ở tạo vốn xây dựng nông thôn mới tại xã Nguyên Hòa do UBND xã Nguyên Hòa Công ty Tiến Ngạn cũng là đơn vị tham gia thực hiện.

Siết chặt công tác đấu thầu và sau đấu thầu đảm bảo sử dụng ngân sách hiệu quả

Mới đây ngày 25/08/2023 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 6601/VPCP-CN về việc báo cáo tình hình hoạt động đấu thầu năm 2022. Theo đó liên quan đến hoạt động đấu thầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty Nhà nước... Tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu tại các dự án quan trọng. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỉ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời có biện pháp xử lý.

“Biệt phủ” của ông Phạm Văn Ngạn – người từng là lãnh đạo doanh nghiệp này, xây dựng trên đất chưa chuyển đổi tại xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ ông này bị xử phạt 11,5 triệu đồng rồi được các cơ quan chức năng huyện Phù Cừ “hợp thức hóa” chuyển đổi hàng nghìn mét đất nông nghiệp sang đất ở... 

Đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên, Công an tỉnh Hưng Yên sớm vào cuộc thanh kiểm tra những dự án mà Công ty Tiến Ngạn đã tham gia trong thời gian vừa qua tại huyện Phù Cừ qua đó làm rõ việc chấp hành pháp luật trong công tác đấu thầu, thi công và quản lý các dự án công trình sau thi công của UBND huyện Phù Cừ và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Tiến Ngạn.

Qua đó đảm bảo nguồn vốn Nhà nước được đảm bảo sử dụng minh bạch, hiệu quả phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của huyện Phù Cừ nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung, xử lý nghiêm nếu phát hiện các vi phạm.

Còn tiếp...

Nhóm PV