Giáo dục

Huyện Lạng Giang (Bắc Giang): Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Xác định nâng cao chất lượng là tiền đề quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo nghị quyết của Đảng, vì vậy nhiều năm qua, cùng với việc tạo chuyển biến trong công tác quản lý giáo dục, nền nếp, kỷ cương trường học, ngành GD&ĐT huyện Lạng Giang đã tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học trong các nhà trường.

Tăng số trường chuẩn Quốc gia

Thời gian qua, công tác GD&ĐT huyện Lạng Giang luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của UBND huyện và toàn xã hội. Qua đó, UBND huyện đã dành phần lớn ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giáo dục theo hướng chuẩn hiện đại, mạng lưới quy mô trường lớp ngày càng phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu của con em Nhân dân trên địa bàn huyện.

Theo ông Đăng Thiều Quang– Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Toàn huyện duy trì 68 trường, trong đó có 67 trường công lập, 1 trường tư thục, với 1.397 lớp từ mẫu giáo tới THCS, 49.486 học sinh ra lớp. Khối THPT và GDNN-GDTX toàn huyện có 3 trường THPT và 01 Trung tâm GDNN-GDTX.

Các trường thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT đối với trẻ mầm non. Trẻ được hoạt động theo nhóm nhỏ, cá nhân một cách hài hòa, hợp lý và phù hợp với độ tuổi theo hướng tiếp cận học qua chơi, đổi mới phương pháp hình thức tổ chức ở tất cả các hoạt động của trẻ.

Các trường mầm non thực hiện trang trí phòng lớp đảm bảo thẩm mỹ, thân thiện, phù hợp lứa tuổi, các góc cho trẻ hoạt động được bố trí thuận tiện, hợp lý linh hoạt đáp ứng nhu cầu hứng thú hoạt động vui chơi của trẻ, có đa dạng đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu cho trẻ hoạt động, các đồ chơi sáng tạo do giáo viên tự làm từ các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như MN Nghĩa Hòa, MN Mỹ Thái, MN Tân Hưng, MN Đào Mỹ... cho trẻ tham gia trải nghiệm.

Ở cấp Tiểu học, các trường đã tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, rèn kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng học tập của học sinh; tạo điều kiện cho các em được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.

Trường tiểu học Mỹ Thái được đầu tư xây dựng khang trang

Phòng GD&ĐT chỉ đạo tổ chức dạy học cho học sinh lớp 5 để học sinh được chuẩn bị học lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 theo hướng dẫn, tập trung rèn luyện các kỹ năng và tạo tâm thế cho học sinh lớp 5 sẵn sàng học lớp 6; Chỉ đạo thực hiện tốt 6 mô hình đổi mới giáo dục ở cấp tiểu học; Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4 đảm bảo tỷ lệ 1.5 giáo viên/lớp, đầu tư trang thiết bị và dạy học để tổ chức dạy 100% học sinh lớp 4 học 2 buổi/ngày.

Về giáo dục cấp THCS cũng có nhiều đổi mới và thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.

Tỷ lệ học sinh có học lực khá giỏi tăng, điểm trung bình ba môn thi vào lớp 10 THPT xếp thứ 5/10 huyện, thành phố. Trong đó những đơn vị tiêu biểu trong bồi dưỡng HSG cấp huyện như các trường THCS: TT Vôi số 1, TT Kép, Tân Dĩnh, Đào Mỹ, Quang Thịnh, Xương Lâm…

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã trở thành phong trào sâu rộng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh và toàn xã hội, tạo nên diện mạo mới cho các trường học về cơ sở vật chất, cảnh quan sự phạm, chất lượng giáo dục.

Đến nay, huyện có số trường chuẩn quốc gia 67/67=100%. Số trường chuẩn Quốc gia Mức độ 2 đến nay là 21/67=31,3%. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ đạt 25 trường chuẩn Quốc gia mức độ 2, đạt 37,4 %, về đích sớm và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đặt ra.

Trường THCS Xương Lâm được đầu tư trang thiết bị dạy học, đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Năm học 2022- 2023, ngành giáo dục huyện Lạng Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư và từng bước đươc nâng lên. Tham gia kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, toàn huyện có 72 học sinh tham dự, trong đó đạt 54 giải, xếp thứ tư về số lượng giải và xếp thứ 2 về chất lượng giải. Khối THPT tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 72 giải.

Tiêu biểu trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi có các đơn vị: THPT Lạng Giang số 1, THCS TT Kép, THCS Đào Mỹ, THCS Quang Thịnh, THCS TT Vôi số 1, THCS Tân Dĩnh,… Ngành đã hoàn thành xuất sắc 18/18 tiêu chí thi đua, đứng thứ 3/10 huyện, thành phố và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Toàn huyện có 7 đơn vị được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh, 5 đơn vị được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 17 đơn vị đạt “Tập thể lao động xuất sắc”…

Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT huyện Lạng Giang sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.  Trong đó, tập trung đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Bố trí huy động, sự dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục  gắn liền với nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia; Triển khai có hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác kỷ luật, kỷ cương trường học, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hạnh phúc. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc đổi mới dạy và học tiếng Anh; thực hiện Đề án đẩy mạnh dạy học tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông...

Để đạt được các mục tiêu về công tác giáo dục trong giai đoạn này, theo Ông Nguyễn Văn Long – Phó chủ tịch Thường trực huyện Lạng Giang: Huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tăng quy mô học sinh và quy mô trường, lớp học trong giai đoạn tới nhất là giai đoạn từ năm học 2027-2028; tháo gỡ khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất và độ ngũ nhà giáo để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; huy động trẻ mầm non ra lớp giai đoạn 2023-2025; xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Hà Anh