Hồ sơ doanh nghiệp

Hụt thu tài chính kéo lợi nhuận quý I của Nhiệt điện Phả Lại giảm sâu

Với mục tiêu 249 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2022, kết thúc quý I, Nhiệt điện Phả Lại mới thực hiện được gần 32% chỉ tiêu đề ra.

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 1.077 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ từ 1.048 xuống còn 1.035 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp tăng 39,7% đạt gần 42 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 3,9%.

Doanh thu tài chính chỉ đạt 68 tỷ đồng, giảm gần 43% do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay và giảm cổ tức, lợi nhuận được chia.

Chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ hơn 22 tỷ đồng xuống còn 154 triệu đồng chủ yếu do giảm trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp gần như không đổi, doanh nghiệp không phát sinh chi phí bán hàng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 80 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút, Nhiệt điện Phả Lại cho biết do giảm doanh thu hoạt động tài chính và giảm doanh thu từ hoạt động điện. Sản lượng điện sản xuất quý I/2022 là 793 triệu kWh, thấp hơn so với quý I/2021 là 56,61 triệu kWh.

Trong năm nay, Nhiệt điện Phả Lại đặt mục tiêu đạt 5.402 tỷ đồng doanh thu và gần 249 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết thúc quý I/2022, công ty đã thực hiện được 20% kế hoạch doanh thu và gần 32% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Tại ngày 31/3/2022, công ty ghi nhận 5.758 tỷ đồng tổng tài sản. Trong đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm 43% tổng tài sản, trị giá 2.501 tỷ đồng chủ yếu là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác. 

So với đầu kỳ, khoản tương đương tiền giảm 500 tỷ đồng về 0, dẫn đến khoản mục tiền và tương đương tiền chỉ còn giá trị 6,5 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý I. Ngoài ra Nhiệt điện Phả Lại vẫn còn khoản tiền gửi có kỳ hạn 585 tỷ đồng đến cuối kỳ, giảm 30 tỷ đồng so với số liệu đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn tăng 88% so với đầu kỳ, trị giá 1.494 tỷ đồng chủ yếu là phải thu khách hàng. 

Trong báo cáo mới nhất về ngành điện 2022, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá các doanh nghiệp nhiệt điện đã trải qua giai đoạn khó khăn năm 2021 và sẽ có một năm hứa hẹn trong năm 2022.

Sản lượng hợp đồng nhóm này trong năm 2022 nhìn chung sẽ phục hồi, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ khác nhau. Nhiệt điện than sẽ có lợi hơn so với nhiệt điện khí do chi phí biến đổi nhóm nhiệt điện than thấp hơn, đặc biệt là khi giá khí có xu hướng tăng.

VDSC dự phóng ba nhà máy điện khu vực miền Bắc là Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) và Nhiệt điện Phả Lại (PPC) sẽ được huy động nhiều do nguồn cung hạn chế và không có doanh nghiệp mảng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Nhiệt điện Hải Phòng và Nhiệt điện Quảng Ninh được đánh giá là 2 doanh nghiệp nhiệt điện than sẽ có mức tăng trưởng sản lượng hợp đồng cao và tiềm năng dài hạn lớn. Trong khi đó, mặc dù sản lượng hợp đồng có phục hồi nhưng tăng trưởng của Nhiệt điện Phả Lại không còn ở mức cao như những năm về trước do máy móc lâu đời.