Thế giới

Hungary lại trách móc EU việc bắt mua ít dầu và khí đốt Nga

Hungary tuyên bố việc nước này tự xây dựng đường ống dẫn khí đốt nghĩa là EU sẽ mất quyền bảo họ phải mua khí đốt hoặc dầu mỏ từ đâu và từ ai.

Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Hungary mua càng ít dầu khí từ Nga càng tốt, nhưng không cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào trong việc tiếp cận các nguồn cung thay thế.

Bình luận trên được Bộ trưởng Ngoại giao và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Hungary Peter Szijjarto đưa ra tại một cuộc họp báo ở Budapest hôm 4/10, sau cuộc gặp của ông với Bộ trưởng Môi trường, Khí hậu và Năng lượng Slovenia Bojan Kumer.

Ưu tiên trước mắt

Trước đó, hai vị Bộ trưởng đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng một đường ống dẫn giữa hai nước, qua đó có thể tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến các cảng biển của Italy.

“Theo thỏa thuận này, trong vòng 2 năm, chúng tôi sẽ xây dựng một điểm kết nối liên kết các hệ thống đường ống của chúng tôi, qua đó chúng tôi sẽ có thể vận chuyển 440 triệu m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm theo cả 2 hướng”, ông Szijjarto phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Kumer. Ngoại trưởng Szijjarto lưu ý rằng số tiền đầu tư từ phía Hungary vào dự án này sẽ lên tới 75 triệu euro. 

“Sự kết nối giữa hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Hungary và Slovenia sẽ góp phần đáng kể vào việc cải thiện an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary và sẽ giúp chúng tôi tiếp cận thị trường khí đốt của Italy, nơi mà cho đến nay chúng tôi chưa thể tiếp cận, để chúng tôi có được những nguồn LNG mới, ngoài nhà ga ở Croatia”, ông Szijjarto nói.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tiếp Bộ trưởng Môi trường, Khí hậu và Năng lượng Slovenia Bojan Kumer tại Budapest, ngày 4/10/2023. Ảnh: AP/Newsday

Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Hungary cũng nhấn mạnh rằng đảm bảo an ninh năng lượng không phải là vấn đề quốc gia hay song phương, mà là vấn đề của châu Âu.

“Budapest đang chịu áp lực liên tục từ Brussels về việc mua ít năng lượng hơn từ Nga. Nhưng họ (EU) không hỗ trợ tài chính để chúng tôi có thể mua hàng từ các nguồn khác”, nhà ngoại giao Hungary lưu ý.

Theo ông Szijjarto, EU từ chối tài trợ cho việc hiện đại hóa và tăng công suất đường ống ở Trung Âu với lý do thực tế là trong 15 năm nữa, khí đốt được cho là sẽ được thay thế bằng các nguồn năng lượng khác và sẽ bị loại ra khỏi cơ cấu năng lượng của các nước phát triển. Ông coi lập luận này là không thể chấp nhận được.

“Ưu tiên của chúng tôi là giải quyết tình hình vào năm tới, chứ không phải là trong 15 năm tới. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh rằng EU cần cung cấp tài chính”, Ngoại trưởng Hungary giải thích.

“Tất nhiên, nếu họ không làm như vậy, chúng tôi vẫn sẽ xây dựng đường ống dẫn khí đốt, nhưng khi đó Brussels sẽ mất mọi quyền can thiệp bằng bất kỳ cách nào liên quan đến việc chúng tôi mua khí đốt hoặc dầu mỏ từ đâu và từ ai”.

Nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung

“Cung cấp năng lượng không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề thực tế vật chất”, ông Szijjarto nhắc lại những điều ông đã nhiều lần tuyên bố trước đây. Theo ông, nguồn cung dầu mỏ hoặc khí đốt không phụ thuộc vào vị thế chính trị của đất nước mà phụ thuộc vào các tuyến đường ống dẫn vào lãnh thổ nước này từ các mỏ dầu khí.

Cho tới nay, Hungary đã kết nối mạng lưới điện của mình với tất cả 7 quốc gia láng giềng, trong khi hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đã được kết nối với 6 quốc gia, ngoại trừ Slovenia, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết, đồng thời khẳng định Hungary tập trung vào việc đa dạng hóa các nguồn và tuyến đường cung cấp các nguồn năng lượng.

Năm nay, quốc gia Trung Âu lần đầu tiên nhận được khí đốt từ Azerbaijan, và trong tương lai có kế hoạch mua khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan và Qatar.

Nhà máy lọc dầu Duna ở Szazhalombatta, Hungary. Dầu Nga đến Hungary qua đường ống Druzhba. Ảnh: Getty Images

Như Thủ tướng Viktor Orban đã lưu ý, ban lãnh đạo EU đã quyết định dứt khoát “đoạn tuyệt” các nguồn năng lượng Nga, và Hungary “không thể ngăn chặn điều này vào lúc này”, ông Szijjarto cho biết, giải thích đó là lý do tại sao chính phủ ở Budapest đặt ra cho mình nhiệm vụ “giảm thiểu hậu quả tiêu cực từ quyết định này của Brussels”.

Hungary vẫn nhận được phần lớn khí đốt và dầu từ Nga. Vào tháng 9/2021, công ty MVM của Hungary đã ký 2 hợp đồng dài hạn với gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga, cung cấp tổng cộng 4,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm thông qua các đường ống đi qua Serbia và Áo, bỏ qua Ukraine.

Do đường ống Nord Stream chạy qua Biển Baltic không còn khả dụng trong việc vận chuyển khí đốt, nên một thỏa thuận đã đạt được vào tháng 10/2022 nhằm tăng cường cung cấp khí đốt Nga dọc theo tuyến đường phía Nam - TurkStream và nhánh của nó qua Bulgaria và Serbia. Năm 2022, Hungary nhận được 4,8 tỷ m3 khí đốt qua tuyến đường này.

Đối với dầu Nga, nó đến Hungary thông qua nhánh phía nam của đường ống Druzhba, được miễn các lệnh trừng phạt của EU. Vào năm 2022, 4,9 triệu tấn dầu đã được cung cấp cho Hungary qua tuyến đường này, tuyến đường này cũng đến các nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Séc và Slovakia.

Minh Đức (Theo TASS, CE Energy News)