Sự kiện

Hưng "kính" bị bắt: Nữ nhà báo Thu Trang "cảm giác xốn xang, khó tả"

"Khoảnh khắc đầu tiên khi nghe tin Hưng “kính” bị bắt, tim tôi đập thình thịch. Cảm giác xốn xang, khó tả. Thế là mục đích của loạt bài điều tra đã chính thức có kết quả tốt đẹp", nữ nhà báo Thu Trang trải lòng.

Những trải lòng đó được nhà báo Nguyễn Thu Trang (Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ với phóng viên Infonet sau khi thực hiện loạt bài điều tra phản ánh băng nhóm bảo kê ở chợ Long Biên.

Nữ nhà báo Nguyễn Thu Trang.

Đến nay lần lượt các đối tượng đã bị cơ quan chức năng khởi tố nhưng thẳm sâu trong lòng nữ nhà báo tưởng chừng như gai góc vẫn là những nét rất đàn bà.

Cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố, tạm giam đối với nhân vật Hưng "kính" và nhiều đối tượng trong vụ bảo kê ở chợ Long Biên. Chị cảm thấy như thế nào, có tin vào cái kết này không?

Khoảnh khắc đầu tiên khi nghe tin Hưng “kính” bị bắt, tim tôi đập thình thịch. Cảm giác xốn xang, khó tả.

Thế là mục đích của loạt bài điều tra đã chính thức có kết quả tốt đẹp. Hầu hết nhân vật bảo kê hống hách mà chúng tôi nêu ra trong bài đều đã bị bắt. Tên trùm ma cô nhất, ranh mãnh nhất cũng phải tra tay vào còng số 8.

Vậy là những nỗ lực của bản thân tôi và đồng nghiệp đã có bước đầu kết quả tích cực thật rồi. Bao nhiêu suy nghĩ cứ trộn rộn trong tôi.

Chưa về tới nhà thì lòng tôi bỗng chùng xuống. Ở đâu đó trong sâu thẳm lòng mình, tôi nghĩ là một người đàn ông dù có độc ác xấu xa thế nào đi chăng nữa thì khi bị bắt, phía sau họ là những người thân. Và trong những người thân ấy, chắc chắn sẽ là bóng dáng những người đàn bà khắc khoải, mỏi mòn....

Trong quá trình thực hiện phóng sự của mình về vụ việc, chị đã gặp những khó khăn như thế nào? Tôi được biết, chị bị các đối tượng dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc bằng rất nhiều tiền đến đe dọa giết để mua sự im lặng… Trong khi xã hội có một số nhà báo chọn việc tống tiền, dọa dẫm doanh nghiệp, người dân chỉ vì tiền thì vì sao chị lại không thỏa hiệp. Trong một khoảnh khắc nào đó, có khi nào chị hối tiếc về những việc mình đã làm?

Trong quãng thời gian khoảng 2 tháng tập trung cao độ để thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi bảo kê của các băng nhóm tội phạm tại chợ Long Biên, hầu như đêm nào tôi cũng phải rời khỏi giường sau khi con trai đã ngủ say.

Tôi nhớ là việc này khó khăn đối với tôi vô cùng. Đời tôi, chưa có việc nào khó khăn như việc đang ôm con, bện hơi nó mà lại phải buông ra để đi làm nhiệm vụ. Có những đêm tôi với con ở cách nhau có mỗi một cây cầu bắc qua sông thôi mà cảm giác ở xa ngàn dặm. Nhớ con, chỉ muốn chạy về luôn mà không thể rời mục tiêu. Nhiều khi phải mở điện thoại ra xem ảnh con cho đỡ "vật".

Còn về chuyện “mua chuộc” đối với tôi đâu còn lạ nữa? Sau khi bài viết được đăng tải, có những đối tượng liên quan đã tìm cách xin gặp tôi mà không được. Họ đem phong bì đến tận cơ quan tôi rồi vờ bỏ quên. Nhìn họ mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, nói thật là tôi thấy tội quá. Tôi bảo họ cầm phong bì về nếu không tôi sẽ lập biên bản... Mà không chỉ riêng vụ này đâu. Tôi đã nhiều lần đứng trước những cám dỗ của đồng tiền rồi mà vẫn chưa bị đổ.

Cho đến thời điểm này thì cứ mỗi lần gặp chuyện đó tôi đều không dùng quá 1 phần 100 giây để lắc đầu. Tôi sợ rằng, nếu cứ mải so đo thiệt hơn, tôi không còn thời gian để làm việc khác mất.

Về chuyện bị dọa giết cả nhà, so với những lần trước thì không là gì cả. Sợ thì có đấy, nhưng nếu cứ dành thời gian loay hoay với nỗi sợ thì cuộc sống có gì vui nữa? Tôi cứ sống, cứ làm gì tôi tin là đúng nên chắc chắn không bao giờ phải hối tiếc. Vụ việc này thì càng không hối tiếc.

Những gương mặt trong băng nhóm bảo kê tại chợ Long Biên lần lượt bị bắt.

Trước khi thực hiện loạt phóng sự - dính tới những dân “xã hội đen”, chị có lường trước những khó khăn mà mình gặp phải. Khi đối diện với thực tế, nó có khác xa so với hình dung ban đầu hay không?

Tôi là người sống khá bản năng. Tôi làm gì thì đầu tiên cũng thiên về bản năng và cảm tính. Bởi thế nên khi va phải đề tài là lao vào ngay, là làm cật lực chứ không hề ngồi cân đong đo đếm hay lường trước những khó khăn nguy hiểm đâu. Nếu cứ kỹ lưỡng thế có khi biết hết nó khó thế nào, lại sợ chả dám làm ấy chứ?

Khi chị bị đe dọa, nhiều đồng nghiệp tỏ ra đồng cảm, ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cách chị lộ diện là tự mình “tìm đến hiểm nguy”. Chị có thể lý giải vì sao lại chọn cách như vậy? Và giai đoạn nào trong quá trình điều tra chị mới lộ diện? Khi các đối tượng biết chị thì phản ứng đầu tiên của họ là gì?

Tự lộ diện tức là tự tìm đến hiểm nguy ư? Đúng là chúng tôi cũng trăn trở nhất điều này đấy. Cũng chính vì không ai dám lộ diện, đối đầu nên những chuyện xấu xa như chuyện bảo kê ở chợ Long Biên mới có đất để tồn tại bao nhiêu năm như thế đấy. Phải có ai đó dám đứng lên lộ diện, đối đầu với cái xấu để những bà con bị đè nén có điểm tựa, có chỗ dựa có niềm hy vọng chứ!

Cá nhân tôi tự nhận xét về bản thân là tôi chẳng phải là anh hùng gì đâu. Tôi cực kỳ nghiêm túc đấy. Tôi cũng chỉ là một người đàn bà như bao người đàn bà khác thôi. Có chăng là bởi nghề nghiệp, công việc đã đẩy tôi vào hoàn cảnh không có sự lựa chọn nào khác là phải đứng lên thực hiện loạt bài điều tra, rồi lộ diện để nội dung các bài điều tra đó thêm tính chính danh và thuyết phục.

Phụ nữ làm báo đã nhọc nhằn, phụ nữ làm điều tra còn khó khăn gấp bội. Chị từng không ít lần đối diện với nguy hiểm, không ít lần bị dọa giết cả nhà… Vì sao chị lại chọn đường khó để đi? Có khi nào muốn dừng lại?

Tôi thấy câu hỏi này không công bằng với cánh đàn ông. Tôi thấy là phụ nữ khi đi tác nghiệp điều tra có nhiều cái lợi lắm chứ. Khó khăn, nhọc nhằn, hiểm nguy của nghề báo thì phụ nữ hay đàn ông làm cũng đều như nhau thôi. Có lẽ tôi luôn thấy thú vị khi làm nghề là do tôi đã phải lòng nghề mất rồi. Khi phải lòng thì đâu có thấy khó khăn cản trở gì nữa, chỉ thấy yêu và đam mê thôi. Có khi cũng chính vì yêu quá mà biết bao lần khi gặp những chuyện quá trắc trở, tôi đã từng muốn rời xa nghề nhưng tình yêu đã giữ tôi ở lại... và cho đến giờ này tôi vẫn là một nữ nhà báo, làng báo vẫn có một nữ phóng viên là tôi.

Nếu có một điều ước lúc này, chị mong điều gì?

Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước có nhiều thời gian ở bên con trai nhỏ của tôi hơn. Chỉ thế thôi!

Xin cảm ơn chị!

Theo N.Huyền (báo Infonet)