Sự kiện

Huế: Ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị để xảy ra tham nhũng

Ngày 23/2, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong các nội dung thực hiện đáng chú ý có việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thừa Thiên-Huế gồm 15 thành viên do đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Cụ thể, khi có kết quả xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Ngoài ra, kế hoạch cũng nêu, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định; không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo... mới chuyển hồ sơ vụ việc.

Ngoài ra, sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chuyển nội dung kết luận vi phạm về tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức để xem xét, xử lý kỷ luật hành chính đối với các cá nhân có sai phạm theo quy định.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu kéo dài thời gian xem xét, xử lý, để hết thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định.

Một loạt cán bộ liên quan đến tham ô mua bán đất đai ở phường Thuỷ Xuân,Tp.Huế bị bắt.

Liên quan đến việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết tố cáo tham nhũng, các cơ quan hành chính Nhà nước cần sử dụng kịp thời biện pháp hành chính để thu hồi ngay tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng gây ra. Đồng thời, văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân làm cơ sở để xử lý thu hồi.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và Thi hành án dân sự cần tích cực áp dụng biện pháp thu hồi tiền, tài sản tham nhũng trong từng khâu của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Vận động đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền, tài sản; sử dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, cưỡng chế thi hành án… để đảm bảo thu hồi triệt để tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng.

Trong kế hoạch, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Tp.Huế chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); định kỳ báo cáo về Thanh tra tỉnh để tổng hợp cùng với báo cáo công tác PCTN 6 tháng, báo cáo năm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu kết quả chấm điểm thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị đạt thấp, làm ảnh hưởng đến điểm số và vị trí xếp hạng của Tỉnh.

Đồng thời, giao Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Lê Kông