An ninh - Hình sự

Huế: Phó giám đốc Công an tỉnh tiết lộ thủ đoạn gây án của tội phạm công nghệ cao

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao hoạt động với nhiều thủ đoạn rất tinh vi và xảo quyệt.

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục triệt phá nhiều đường dây, bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao với nhiều thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, số tiền bị lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Lực lượng công an đọc lệnh bắt các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.

Nhằm làm rõ các thủ đoạn và phương thức gây án của loại tội phạm này, ngày 6/7, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hành vi mà đối tượng thường sử dụng để thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạn tài sản đó là tạo ra trang web giả mạo gần giống như trang web của ngân hàng, sau đó tiến hành "câu nhử" bị hại tham gia vào những hoạt động như đăng kí mua hàng, hoặc thanh toán trên trang web.

Theo Đại tá Sơn, với thủ đoạn nêu trên, đối tượng lừa đảo sẽ đánh cắp các thông tin về tên giao dịch, mật khẩu và mã OTP của nạn nhân sau đó chiếm đoạt quyền điều hành, quyền quản trị tài khoản và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, một chiêu thức khác đó là đối tượng thường mua bán, hoặc tìm hiểu thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân của nhiều người sau đó mở tài khoản, ví điện tử, từ đó lợi dụng chính sách khuyến mãi của ngân hàng trong việc mở tài khoản mới rồi thiết lập nhiều tài khoản khác nhau để phục vụ hành vi lừa đảo.

"Bên cạnh đó, có những chiêu thức lừa đảo thông thường khác mà các đối tượng thường sử dụng, đó là giả danh cơ quan chức năng gọi điện tới người dân thông báo có liên quan đến vụ việc mà cơ quan chức năng đang thụ lý, sau đó đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản. Đồng thời, các đối tượng còn sử dụng trang mạng xã hội để giả danh chuyên gia, người nước ngoài làm quen với người dân, sau đó thực hiện thủ đoạn như yêu cầu nhờ chuyển tiền, đầu tư dự án để thực hiện hành vi lừa đảo", Đại tá Sơn nhấn mạnh.

Đại tá Sơn khuyến cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thao tác trên thiết bị liên quan đến công nghệ thông tin, mạng xã hội cần phải có những phương pháp bảo mật phù hợp. Ngoài ra, công dân khi nhận được thông tin, điện thoại từ những ai xưng là cơ quan chức năng cũng phải hết sức cảnh giác. Trong trường hợp cá nhân nào nếu có liên quan đến vụ việc mà cơ quan chức năng đang thụ lý thì cơ quan chức năng cũng không trao đổi hay yêu cầu thông cung cấp thông tin qua điện thoại.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triệt phá nhiều vụ án liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt giữ 23 đối tượng, số tiền lừa đảo lên đến 250 tỷ đồng.

Công Định