Xu hướng thị trường

Huế: Nhà hát gần 200 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng

Phần trần mái của nhà hát lớn nhất Huế vừa đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm đã xuất hiện sự bong tróc.

Nhà hát Sông Hương nằm ở số 1, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh (TP.Huế), ngay tại ngã ba sông An Cựu đối diện và sông Hương bao quanh, chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2020. Với thiết kế quy mô 1.000 chỗ ngồi (tầng một: 700 chỗ và tầng hai: 300 chỗ), nơi đây được kỳ vọng là địa điểm phục vụ các hoạt động văn hoá không chỉ của Huế, mà còn của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, cũng như các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tầm quốc tế.

Nhà hát Sông Hương được đầu tư gần 200 tỷ đồng, chính thức đưa vào hoạt động vào cuối tháng 3/2020.

Không chỉ vậy, với kiến trúc  được thiết kế độc đáo, thời điểm đưa vào hoạt động, nhà hát này là điểm nhấn của không gian ven sông Hương thơ mộng và trở thành niềm tự hào của người dân TP.Huế về một công trình mang đẳng cấp quốc tế.

Thế nhưng, chưa đầy một năm đưa vào sử dụng, hình ảnh về sự bong tróc ở hạng mục trần mái, ngay bên ngoài của nhà hát đã khiến không ít người hoài nghi về chất lượng của công trình.

PV Người đưa tin Pháp luật nhận được phản ánh về sự bong tróc, xuống cấp này ngay trong những ngày Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Người phản ánh cho hay, nhà hát nằm ngay cạnh sông Hương, dọc con đường đi bộ nên những hình ảnh bong tróc này đập ngay vào mắt của người dân, du khách trông rất phản cảm.

Ghi nhận của PV, rất nhiều thanh gỗ trần mái phía ngoài nhà hát đã bị bong, bung để lộ nhiều lỗ hổng ở hạng mục này. Không những vậy, nhiều điểm khác bắt đầu xuất hiện vết nứt, có dấu hiệu chuẩn bị bung tróc rất nguy hiểm.

Nhiều điểm ở phần trần gỗ hướng cầu Dã Viên đã bị bong, để lộ nhiều lỗ hổng phản cảm.

Theo tìm hiểu, nhà hát Sông Hương là công trình thuộc Học viện Âm nhạc Huế được khởi công vào năm 2017 với tổng vốn 198 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư.

Trần bằng gỗ sồi rơi xuống, nằm dưới đất.

Đơn vị thi công gia cố tạm thời để tránh việc trần gỗ rơi xuống.

Một số điểm khác đã xuất hiện vết nứt, có dấu hiệu sắp bị bung rất nguy hiểm.

Ngay sau khi ghi nhận thực tế, PV đã đưa tình trạng trên phản ánh đến ông Trần Ngọc Quang, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên. Ông Quang thông tin, đã nắm tình trạng này và cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua nên mái nhà hát bị nước mưa chảy vào phần trần gỗ dẫn đến hiện tượng bong tróc.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho hay, hiện vật liệu “đặc chủng” phần mái đã được đưa về Huế, công trình vẫn trong thời gian bảo hành nên ra Tết đơn vị thi công sẽ tiến hành khắc phục.

Lê Kông