Môi trường

Huế: Nghịch lý nơi ra sức trồng cây, nơi rừng "khóc" vì lâm tặc đốn hạ

Phong trào trồng mới cây xanh đang lan toả ở Thừa Thiên-Huế nhưng thật xót xa, nhiều cây cổ thụ trong những cánh rừng của địa phương này vẫn ngày đêm bị đốn hạ.

Nhiệm vụ trồng mới cây xanh đã và đang trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân ở Huế.

Có thể thấy các cơ quan ban ngành, tổ chức và người dân ở địa phương này đang duy trì có hiệu quả các phong trào thi đua như “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Mai vàng trước ngõ”, “Xanh phố, xanh nhà, xanh làng xóm”… phấn đấu hoàn thành mục tiêu Huế luôn xanh-sạch-sáng trong lòng du khách khi đặt chân đến mảnh đất Cố đô này.

Phong trào trồng cây đang thật sự lan toả ở Huế.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, tình trạng nhiều diện tích rừng tự nhiên ở Thừa Thiên-Huế vẫn ngày đêm đang bị “rỉ máu" bởi vấn nạn khai thác gỗ trái phép.

Để minh chứng điều này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã lần theo thông tin phản ánh của người dân, để tiếp cận những khoảng rừng đang bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Dù đoạn đường từ trung tâm xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới vào khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá có khoảng cách không xa, khoảng 10km, nhưng PV phải nhiều giờ băng qua những khu rừng sản xuất mới tiếp cận được hiện trường. Khu vực rừng tự nhiên này chủ yếu nằm trên địa bàn thôn 3, thôn Kê, xã Hồng Thuỷ.

Toạ độ khu vực rừng PV ghi nhận.

Tại đây, không khó để bắt gặp những gốc cây cổ thụ có bán kính trên 50cm đã bị lâm tặc đốn hạ. Những gì còn lại chỉ là phần gốc, phần rìa gỗ, còn phần lõi gỗ đã bị mang đi.

Ngoài những cây gỗ thuộc nhóm V, IV thì còn có cây thuộc nhóm quý hiếm như sến bị chặt phá. Theo ghi nhận, hàng chục cây rừng lâu năm tuổi đã bị đốn hạ tại khu vực này.

Một số hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường:

Hiện trường tan hoang lâm tặc để lại...

Không khó để bắt gặp cảnh tượng hàng chục gốc cây rừng cổ thụ bị đốn hạ như thế này.

Những gì còn lại trông đến xót xa...

Liên quan đến vấn đến này, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sẽ cho lực lượng kiểm tra khu vực phóng viên phản ánh trong ngày, sau đó sẽ thông tin đến báo chí.

Thừa Thiên-Huế phấn đấu đến hết năm 2025 trồng 4,5 triệu cây xanh, trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 2,5 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ và rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn.

Phát biểu tại buổi lễ phát động phong trào trồng cây, một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế từng nhấn mạnh: “Các địa phương phấn đấu trồng cây phân tán trong năm 2021 gấp 1,5 lần so với năm 2020; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, cây xanh và phát triển rừng tập trung; tăng cường ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép…”.

Tích cực trồng mới cây xanh nhưng nhiệm vụ tập trung bảo vệ các cánh rừng tự nhiên vẫn phải luôn song hành.

Lê Kông