Thế giới

Hợp tác với New Zealand, Anh hy vọng rộng cửa vào CPTPP

Dù thương mại với New Zealand chỉ chiếm 0,2% thương mại Anh, nhưng Thủ tướng Boris Johnson hy vọng thỏa thuận mới sẽ mở ra cơ hội để nước này gia nhập CPTPP.

Anh và New Zealand đã đồng ý đạt được một thỏa thuận thương mại xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa vào cuối hôm 20/10. Đây là một phần trong nỗ lực của nước Anh nhằm mở rộng thị trường hậu Brexit và khôi phục kinh tế hậu đại dịch.

Thông qua hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp New Zealand, bà Jacinda Ardern, thỏa thuận đã được thống nhất sau 16 tháng đàm phán. Một số nội dung của thỏa thuận vẫn đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực vào năm tới.

Dù thương mại với New Zealand chỉ chiếm 0,2% thương mại của Anh, nhưng Thủ tướng Boris Johnson hy vọng thỏa thuận mới sẽ mở ra cơ hội để nước này gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc gia nhập CTPPP sẽ cho phép nước này tiếp cận các dịch vụ và thương mại kỹ thuật số nhiều hơn.

Thủ tướng Johnson nhận định: “Đây là một thỏa thuận thương mại rất tốt đối với Anh, củng cố thêm tình hữu nghị lâu dài Anh - New Zealand và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ của Anh với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. “Thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn quốc, giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu và mở ra cơ hội việc làm.”

Các nhà phân tích cho rằng rượu vang sauvignon blanc, mật ong Manuka và trái kiwi từ New Zealand sẽ hạ giá thành đối với người tiêu dùng Anh nhờ thỏa thuận thương mại. Còn mặt hàng quần áo, xe buýt và xe ủi của Anh sang New Zealand cũng sẽ được gỡ bỏ hàng rào thuế quan.

Thủ tướng Ardern đánh giá đây là một trong những thỏa thuận tốt nhất mà New Zealand từng đạt được, sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước này khoảng 720 triệu USD nhờ xuất khẩu rượu vang, bơ, pho mát và thịt bò. Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có ý nghĩa nhằm giúp New Zealand bớt phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc hay không, thủ tướng Ardern cho biết việc thỏa thuận sẽ đa dạng hóa sự lựa chọn và khả năng khôi phục thương mại cho các nhà xuất khẩu.

Bà Minette Batters, Chủ tịch Liên minh Nông dân Quốc gia Anh (NFU). Ảnh: NFU.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Minette Batters, Chủ tịch Liên minh Nông dân Quốc gia Anh, “Điều này có thể gây bất lợi đến hoạt động sản xuất của các trang trại Anh trong những năm tới”. “Chính phủ cần làm rõ những thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cụ thể như thế nào đối với nông nghiệp và tương lai của sản xuất lương thực”. Bà Batters cho rằng các  trang trại ở Anh hiện đang chịu chi phí sản xuất cao hơn so với nông dân New Zealand do tình trạng thiếu nhân công và giá cả hàng hóa leo thang.

Chính phủ Johnson đang đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do trên toàn thế giới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Brexit và đại dịch

Phạm Thu Thanh (theo AP, Politics.co.uk)