Kinh tế

Hồng Kông (Trung Quốc) bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng gia cầm Việt Nam

Sau hơn 4 năm, Hồng Kông (Trung Quốc) đã gỡ bỏ lệnh cấm và cho phép nhập khẩu trứng, sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.

Ngày 31/7/2023, Cục Vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm Hồng Kông (Trung Quốc) đã có thư gửi Cục trưởng Cục Thú y Việt Nam thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng và sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.

"Từ nay, các doanh nghiệp, trang trại và người chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh này có thể xuất khẩu chính ngạch trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hồng Kông. Các lô hàng xuất khẩu phải được Cục Thú y kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu theo mẫu và nội dung đã thống nhất với phía Hồng Kông", ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin với Tuổi Trẻ.

Hồng Kông là một trong những thị trường chính và chiếm khoảng 40 - 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Trước khi cấm nhập, mỗi năm Hồng Kông chi vài chục triệu USD để nhập khẩu trứng và sản phẩm từ trứng gia cầm từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết, để Hồng Kông gỡ bỏ lệnh cấm thì Cục Thú y phải nỗ lực rất lớn trong việc trao đổi, đàm phán thú y và cung cấp các tài liệu về kết quả phòng chống giám sát bệnh cúm gia cầm của Việt Nam.

Cụ thể, bệnh cúm gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 14 ổ dịch nhỏ lẻ, buộc tiêu hủy khoảng 18.000 con gia cầm, giảm trên 70% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, toàn bộ các tỉnh Đông Nam Bộ không xảy ra cúm gia cầm.

Có được kết quả trên, Cục Thú y và các địa phương đã tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch quốc gia về phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Hợp tác các tổ chức quốc tế tổ chức chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó kịp thời đối với bệnh cúm gia cầm.

Đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm, tổ chức thông tin, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống bệnh trên gia cầm. Đồng thời chủ động và kịp thời cung cấp thông tin và đề nghị Cục Vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm Hồng Kông dỡ bỏ lệnh cấm nhập trứng gia cầm và sản phẩm trứng (tươi sống và chế biến).

Theo báo Công Thương, để đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm nói riêng, động vật, sản phẩm động vật nói chung, Cục Thú y khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa, tập trung, hợp tác, hỗ trợ để tổ chức xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó dịch bệnh.

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu trứng, thịt gà... sang nhiều nước

Theo CTTĐT Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”.

Theo Quyết định, mục tiêu chung là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.

Mục tiêu cụ thể về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030 là đến năm 2025, có 06 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; 04 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH)

Đến năm 2030, các vùng đã đạt an toàn dịch bệnh tiếp tục được duy trì; các huyện còn lại của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tp.HCM và các tỉnh khác thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; có 08 vùng khác của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH.

Về xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật: Quyết định nêu rõ, phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông và 5 nước Liên minh kinh tế Á - Âu và các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.

Ngoài ra, xuất khẩu được trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang thị trường Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Mỹ, Hàn Quốc; xuất khẩu được thịt lợn sang Malaysia, Trung Quốc.

Xuất khẩu được sữa và sản phẩm sữa sang Malaysia và Indonesia. Xuất khẩu được mật ong và sản phẩm ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác.

Mục tiêu cụ thể về tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 – 2030 là 100% trạm kiểm dịch đầu mối giao thông được rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ.

Mục tiêu cụ thể về nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vaccine thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 – 2030: Phấn đấu có ít nhất 02 phòng thử nghiệm trọng điểm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xây dựng phục vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc, vaccine thú y và 01 phòng thử nghiệm trọng điểm về kháng thuốc.

Minh Hoa (t/h)