Hướng dẫn sử dụng

Hôn nhân là sửa chữa

Tôi vẫn tin vào hai chữ bao dung. Như một đặc ân mà con người có được. Như một món quà mà chúng ta có thể dùng.

Ảnh minh họa.

Hôm qua, một lần nữa Hộp Đen Ký Ức lại dậy sóng. Hơn 120 inbox đã được gửi đến tôi chỉ trong đúng 1 đêm. Câu chuyện người chồng đã cứu vãn được cuộc hôn nhân của anh ta một cách thần kỳ. Dù cậu bạn chồng ấy nhắc rất nhiều về sự giúp đỡ của tôi nhưng như tôi đã nói: Không phải công của tôi đâu. Mà là công của chính người vợ. Chỉ khi bạn vợ ấy đủ yêu chồng, tình yêu ấy đã giúp bạn vợ vượt qua cú shock này. Nếu không phải vì đã hứa sẽ giữ kín câu chuyện thì tôi đã kể lại với mọi người về sự khó khăn mà hai bạn ấy đã phải vượt qua cùng nhau trong suốt 1 năm ấy.

Tôi nhấn mạnh chữ cùng nhau ấy. Là cùng nhau cứu vãn lại cuộc hôn nhân này, cho phép nó có được cơ hội để hy vọng hồi sinh. Chính xác chỉ là cơ hội. Chứ không phải lời cam kết nào cả. Bởi trong câu chuyện này, người vợ mới là người đau nhất. Nói như nhiều comment trong bài viết, người vợ sẽ phải sống mãi với những ám ảnh cảnh chồng mình lên giường với phụ nữ khác. Nhưng có cuộc hôn nhân nào mà không có nước mắt?

Nếu chúng ta cứ xây dựng cuộc hôn nhân của mình bằng những gì chúng ta đã làm thì mãi mãi cuộc hôn nhân đó sẽ chỉ giống một nhà kho. Nhà kho hạnh phúc nếu như những gì đã làm khiến bạn hạnh phúc. Nhà kho đau khổ nếu như những gì chúng ta đã làm khiến chúng ta đau khổ. Không! Như tôi đã nói nhiều lần trong các bài viết về hôn nhân của mình: Hôn nhân phải được xây dựng bằng hiện tại và cả những mong ước trong tương lai. Là hôm nay chúng ta làm gì cho nhau và chúng ta mong muốn ngày mai chúng ta sẽ có gì. Chỉ có như thế, hôn nhân chúng ta mới có thể đi xa cùng nhau được. Như tôi với vợ mình, chúng tôi dẫu có nhiều quá khứ không muốn nhớ tới nhưng nó sẽ chẳng phải lý do khiến chúng tôi không nghĩ đến tương lai cùng nhau của hai đứa. Mà tôi vẫn hay ví von: Tình Già.

Tôi thấy nhiều người giữ lại nỗi đau cũ quá lâu. Tự biến mình thành những con tôm chỉ biết đi lùi. Mắt không rời khỏi quá khứ, không rời khỏi những nỗi đau mình phải gánh, bị gánh, lỡ phải gánh. Tôi vẫn cố giục giã rằng: “Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ” không chỉ là hãy trân quý hiện tại, hãy sống cho tương lai vì cuộc đời này quá ngắn ngủi. Nó chỉ là một cuộc đời dài với những ai cứ ngoảnh lại phía sau mà than khóc vậy.

Tôi thấy nhiều người nói: Niềm tin đổ vỡ rồi không bao giờ lấy lại được. Và cho phép mình không còn tin vào kẻ đã làm đổ vỡ lòng tin của mình. Có những người như thế. Là bởi họ cho rằng họ là người không bao giờ làm mất niềm tin của người khác. Là họ cho rằng họ hoàn hảo. Và với họ không có 2 chữ: bao dung. Tốt thôi! Nhưng nếu cuộc đời trắng đen phân minh thế thì thật khó mà giữ mình không bị tổn thương được. Rằng nếu thế, cuộc đời thật khó sống.

Tôi vẫn tin vào hai chữ bao dung. Như một đặc ân mà con người có được. Như một món quà mà chúng ta có thể dùng. Thậm chí, dùng cho chính mình. Bao dung với chính mình. Tha thứ cho ai đó vốn cũng là tha thứ cho chính mình đó thôi. Là để vết thương đừng làm ta đau nữa. Học cách bao dung cũng chính là học cách để sống tiếp vậy.

Trở lại câu chuyện của 2 bạn mà tôi được mời tham gia chứng kiến. Tôi có hỏi bạn vợ ấy: Nếu hồi đó ly dị, giờ em sẽ ra sao? Bạn vợ ấy đáp: Chắc cuộc đời em sẽ khác. Em không biết tốt hơn hay tệ đi nhưng chắc chắn sẽ không khiến em happy như bây giờ. Vậy là đủ.

Là hiện tại happy. Là cả 2 cùng nhìn thấy tình già có nhau là đủ. 70% những người có chồng hoặc vợ phản bội đã chọn cách tha thứ để tiếp tục. Có thể trong số đó, nhiều người không còn thấy hạnh phúc, mất lòng tin hay vẫn đau đớn không quên. Nhưng tôi cho rằng điều đó vẫn tốt hơn là cứ động cái là ly dị.

Còn tha thứ có nghĩa là còn cho cơ hội để sửa chữa. Chứ không phải động tí là vứt đi thay mới. Sửa chữa. Sửa chữa cũng chính là một phần cấu thành cho hôn nhân vậy. Hôn nhân giống như một chiếc xe, đôi khi chúng ta vẫn phải đem nó đi sửa chữa chứ, phải không?

Hoàng Anh Tú