Tài chính - Ngân hàng

Hơn 567 triệu cổ phiếu ROS hủy niêm yết trên HoSE xuống sàn UpCOM

Cổ phiếu ROS của FLC Faros chính thức làm hồ sơ chuyển sang giao dịch trên sàn UpCOM từ ngày 30/8, sau 5 ngày bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) từ thị trường HoSE (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM) sang thị trường UpCOM từ ngày 30/8.

Theo đó, có tổng cộng hơn 567,5 triệu cổ phiếu ROS đăng ký chuyển sàn, tương ứng với giá trị hơn 5.675 tỷ đồng theo mệnh giá.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cách đây năm ngày, HoSE đã ban hành quyết định hủy niêm yết cổ phiếu ROS, có hiệu lực từ ngày 5/9 tới đây. 

Lý do vì doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, chưa công bố hàng loạt dữ liệu tài chính như báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý I/2022 và II/2022, chưa có người đại diện theo pháp luật...

Hiện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đang vận hành thị trường UpCOM. Theo quy chế của sở này, thời gian hoàn tất đăng ký giao dịch trên UpCOM là 10 ngày kể từ ngày hủy niêm yết có hiệu lực (tức tính từ ngày 5/9).

Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch, FLC Faros cần gửi công văn cho HNX để đăng ký ngày giao dịch đầu tiên và giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên này. Lưu ý, ngày giao dịch đầu tiên phải sau ngày sở nhận được công văn đăng ký tối thiểu 5 ngày làm việc và không quá 10 ngày kể từ ngày sở cấp quyết định chấp thuận thông qua việc đăng ký giao dịch.

Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì cùng nhiều bị can khác nâng khống vốn của FLC Faros.

Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết FLC Faros đã bị tăng vốn điều lệ khống gấp 2.867 lần từ 1,5 tỷ đồng vào tháng 3/2014, lên 4.300 tỷ đồng vào tháng 3/2016 trước khi lên sàn chứng khoán. Sau khi được niêm yết thành công ROS trên sàn chứng khoán, các đối tượng đã bán, chiếm đoạt hơn 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư.