Bất động sản

Hơn 23.000 căn hộ ở Hà Nội chưa được cấp sổ hồng, người dân “bắc thang lên hỏi ông trời”?

Báo cáo thống kê đất đai của sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2017, tính chung cả chung cư và nhà tái định cư thì vẫn còn khoảng 23.260 căn chưa được cấp “sổ hồng”. Câu hỏi được đưa ra, nguyên nhân do đâu? Phải chăng việc chậm, nợ thuế của các đơn vị khiến cho tình hình cấp phát trở nên chậm trễ?

Mua nhà, cư dân dài cổ đợi cấp sổ…

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (sở TN&MT) vừa công bố báo cáo kết quả thống kê đất đai năm 2017 trên địa bàn TP.Hà Nội. Đáng nói, báo cáo này được ký ngày 17/5/2018 nhưng giờ mới được công bố.

Theo báo cáo, tổng số thửa đất trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2017 là 1.551.591 thửa. Trong đó, đã cấp Giấy chứng nhận 1.299.852 thửa, số thửa đủ điều kiện còn phải cấp Giấy chứng nhận là 55.658 thửa, số thửa không đủ điều kiện phải tiến hành kê khai đăng ký đất đai là 196.441 thửa.

Theo sở TN&MT Hà Nội, đến hết năm 2017, còn 22.393 căn chung cư và 867 căn thuộc dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn Hà Nội chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu tính chung cả chung cư và nhà tái định cư thì tính đến cuối năm 2017 vẫn còn khoảng 23.260 căn chưa được cấp giấy chứng nhận.

Nhiều chung cư đi vào hoạt động nhiều năm vẫn chưa cấp sổ hồng cho cư dân.

Cũng trong báo cáo, sở TN&MT cho biết, trong năm 2017, Sở đã tổ chức 63 đoàn thanh tra trong đó, có 43 đoàn thanh tra lĩnh vực đất đai, 14 đoàn thanh tra lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước, 2 đoàn thanh tra hành chính, 4 đoàn thanh tra khoáng sản.

Trước những nội dung nổi cộm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở cho các hộ dân khi mua nhà tại các khu chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội hiện nay, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) – PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, điều bất cập và gây bức xúc nhất là nhiều cư dân chung cư dài cổ chờ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng), trong khi đó quy định chủ đầu tư khu nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ trong vòng 50 ngày.

“Không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân mua nhà và sinh sống tại các hộ chung cư xuống đường biểu tình, căng băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư cấp sổ sau nhiều hứa hẹn. Bản thân những người mua nhà hiện nay có giao dịch với chủ đầu tư chính là đánh cược với những may rủi kèm theo”, PGS.TS. Bùi Thị An cho hay.

Về bản chất, chủ đầu tư ngay khi bán căn hộ phải có nghĩa vụ hoàn tất các thủ tục làm giấy chứng nhận sở hữu nhà (sổ hồng) và bàn giao chủ quyền cho khách hàng, song vì nhiều lý do doanh nghiệp chậm trễ hoặc không hoàn thành được cam kết này. Vị nguyên ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, việc chậm giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng có rất nhiều nguyên nhân.

“Nguyên nhân hàng đầu và cũng thấy rõ nhất khi mới đây Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh vì vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Hay do chủ đầu tư tự thay đổi các quy chuẩn xây dựng được duyệt ban đầu nhưng chưa thực hiện việc điều chỉnh với cơ quan cấp phép khiến cư dân sau khi nhận nhà vẫn không được sở hữu “sổ hồng”. Những dự án của Mường Thanh là minh chứng cho việc này, các hộ dân mua chung cư từ những dự án này hàng năm trời vẫn không được cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Đương nhiên nghĩa vụ thuế đóng vai trò quan trọng trong việc cấp giấy chủ quyền nhà là rất cần thiết. Nhưng hơn cả đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, mà cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm phải nhắc nhở việc này”, bà An nói.

“Nói một đằng, làm một nẻo”... chỉ khổ cho dân!

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Việc người dân đã đóng tiền và nhận nhà chung cư nhưng đến hàng năm trời vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư dự án. Có thể do chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục, nghĩa vụ nào đó đối với cơ quan quản lý Nhà nước nên chưa thể được cấp “sổ hồng” để bàn giao cho cư dân.

Ngoài ra, chưa nói đến chuyện có những trường hợp chủ đầu tư đem toàn bộ hồ sơ của dự án đó để thế chấp vay tiền... Những trường hợp như thế, chủ đầu tư dự án phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ, sớm bàn giao “sổ hồng” cho người dân.

Nếu để càng lâu, thiệt hại cho khách hàng mua nhà là càng lớn! Bởi vì, khi khách hàng sở hữu “sổ hồng” thì người ta còn có những quyền lợi khác, có thể họ nhượng quyền sử dụng nhà, thế chấp sổ làm những công việc khác. Nếu họ chưa làm chủ thì làm sao chuyển đổi căn hộ được? Thế nên, chậm trả sổ ngày nào thì dân thiệt ngày đó. Người dân cần làm chủ căn hộ về mặt pháp lý, chứ không phải là chỉ để ở, quản lý và giữ nhà!”.

Theo ĐBQH Nguyễn Đức Sáu: “Khi chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thì người dân có quyền khởi kiện, tuy nhiên, thủ tục pháp lý trong vấn đề này thường rất phức tạp, được vạ thì má đã sưng! Vì vậy, chủ đầu tư và khách hàng cần ngồi với nhau để thương lượng về phương án giải quyết.

Chủ đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện việc bàn giao “sổ”, bồi thường hợp đồng ra sao... tất cả phải có thời hạn rõ ràng, có mốc thời gian cụ thể, chứ không thể kéo dài dây dưa”.

Bên cạnh đó, theo vị Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cũng phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư dự án có thực hiện đúng các cam kết của mình hay không, tiến hành đảm bảo nghĩa vụ ra sao, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Nguyên ĐBQH - PGS.TS. Bùi Thị An còn đề cập thêm đến việc quảng cáo rao bán rầm rộ các căn chung cư nhưng bản chất lại không được như vậy. “Bản chất những nhà quản lý khi thấy các khu chung cư đăng thông tin quảng cáo thì phải có hướng mà kiểm tra, xử lý. Đừng để quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo, lúc đấy chỉ thiệt mà khổ cho dân. Đấy là lừa dối dân!”, bà An nhìn nhận.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An nhấn mạnh: “Có những người cả đời tích góp được bấy nhiêu tiền để mua được căn chung cư để ở thì họ phải được quyền sở hữu nó và đấy là sự mong mỏi chính đáng. Tôi thiết tha mong các đồng chí lãnh đạo thành phố hãy yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị ban ngành phải nhanh chóng, gấp rút để cấp “sổ hồng” cho dân.

Con số hơn 23.000 kia là quá lớn, sự chậm trễ trong quá trình cấp “sổ hồng”, “sổ đỏ” cho dân chỉ khiến dân thêm khổ và mất niềm tin vào sự quản lý của Nhà nước”.

Người dân có thể khởi kiện hành chính kể cả đối với cơ quan chức năng

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Số liệu khoảng 23.260 căn hộ chưa được cấp “sổ hồng” ở Hà Nội là số liệu tính hết năm 2017, và đến tháng 5/2018 thì số liệu trên được ký phát hành. Vậy nhưng, không hiểu sao đến bây giờ mới công bố? Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan đến việc cấp sổ và công bố thông tin không bảo đảm cho quyền lợi của người dân. Vấn đề này, người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện các chủ đầu tư, thậm chí kể cả khởi kiện hành chính các cơ quan chức năng nếu như xác định có hành vi làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Nguyễn Hường - Thu Huyền