Thế giới

Hơn 18.000 binh sĩ được huy động để bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia

18.030 binh sĩ sẽ được huy động để đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Bali, Indonesia.

Ngày 20/10, Tư lệnh Quân đội Indonesia (TNI), Tướng Andika Perkasa cho biết, 18.030 binh sĩ sẽ được huy động để đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào ngày 15-16/11 tới tại Bali.

Tại buổi họp báo trực tuyến, ông Andika cho biết, có khoảng 3.200 người thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia (Polri), 492 người từ các tổ chức liên quan khác và khoảng 14.300 binh sĩ của TNI. Ngoài ra, nhiều lực lượng đặc nhiệm khác cũng tham gia bảo đảm an ninh tại hội nghị như lực lượng đặc nhiệm của các nguyên thủ.

Indonesia đã chuẩn bị cho kịch bản đón 42 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ. Nếu tất cả khách mời có mặt, lực lượng an ninh đều sẵn sàng.

Ngoài việc chuẩn bị nhân sự để đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, Indonesia đã liên lạc với tất cả các quốc gia khách mời sẽ cử lực lượng an ninh riêng bảo vệ lãnh đạo của họ.

Quan chức trên cho biết thêm, TNI sẽ sử dụng máy bay không người lái để giám sát và đảm bảo an ninh trên các tuyến đường trong hội nghị. Máy bay không người lái không chỉ được sử dụng giới hạn ở việc ngăn chặn gián đoạn an ninh, mà còn giám sát các tuyến đường di chuyển của từng phái đoàn, đặc biệt là các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ.

Trước đó, để đảm bảo vấn đề an ninh cho hội nghị, Cảnh sát Quốc gia Indonesia (Polri) thông báo đã xác định 5 khu vực cần đảm bảo an toàn tuyệt đối gồm Seminyak, Jimbaran, Bắc Nusa Dua, Nam Nusa Dua và Sanur. Đây là những khu vực tập trung lãnh đạo các nước và các đại biểu quốc tế.

Nhóm G20 được thành lập năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997-1998, họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính để thảo luận các vấn đề kinh tế-tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Thành viên G20 gồm các nước G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italy), các nước BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU.

G20 chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và 2/3 dân số thế giới. Nhiệm kỳ chủ tịch được luân chuyển hàng năm.

Indonesia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2022 với 3 vấn đề ưu tiên gồm tăng cường kiến trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng. Trước tình hình mới ở Ukraine, các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực cũng sẽ được thảo luận rộng rãi tại các cuộc họp của G20.

Minh Hoa (t/h)