Xu hướng thị trường

Hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong 3 tháng vì Covid-19

Chịu tác động của dịch Covid-19, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2021 gần 1,1 triệu người, tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Đây là con số mà ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) đưa ra tại cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý I/2021, do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 16/4, tại Hà Nội. 

Theo ông Phạm Hoài Nam, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2021 là 2,42%, tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý I là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên, tăng 0,9% tương đương tăng 51.600 người so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nam cho rằng trong quý I/2021, thị trường lao động Việt Nam đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19. Cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng, trong đó, nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần hai phần ba.

Buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý I/2021.

Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Ông Phạm Hoài Nam cho biết thêm, lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch Covid-19 là nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động bị ảnh hưởng. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm 20,4%.

Ông Phạm Hoài Nam cho hay, điểm sáng trong quý I của thị trường lao động là sự gia tăng mức thu nhập từ công việc của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 1 đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng, tăng 339.000/tháng với quý trước và 106.000/tháng cùng kỳ năm trước.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Huy Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong quý I/2021, số lượng người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lực lượng lao động giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Minh, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi chưa xảy ra đại dịch do tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” của nhiều lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước Tết Nguyên đán làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với các kỳ năm trước. Lực lượng lao động quý I/2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người.

Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020. Lao động có việc làm giảm còn 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước.