Sự kiện

Hơn 1.000 container ùn ứ tại cửa khẩu: Tài xế khắc khoải đợi chờ

Thời gian thông quan cho một phương tiện hiện nay thấp nhất là 20 ngày, nhiều tài xế khốn khổ đợi chờ.

Mỏi mòn vì chờ đợi

Chiều ngày 10/6, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do phía Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát ngặt nghèo hàng hóa xuất nhập khẩu nên tình trạng thông quan tại các cửa khẩu Lạng Sơn đã xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ trong những ngày gần đây.

Theo thông báo chính thức trên cổng thông tin điện tử của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, năng lực thông quan của hai cửa khẩu là Hữu Nghị và Tân Thanh hiện nay khá chậm.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, chỉ có khoảng 100 phương tiện được thông quan mỗi ngày, ở chiều ngược lại, tình hình nhập khẩu khả quan hơn khi gần 200 phương tiện hoàn thành thủ tục nhập khẩu. Theo tính toán, hiện có khoảng 450 xe đang nằm chờ làm thủ tục thông quan tại khu vực cửa khẩu này.

Hàng dài xe chờ xuất khẩu (ảnh Hữu Thắng)

Cửa khẩu phụ Tân Thanh, tình hình xuất khẩu khá hơn khi gần 200 xe được hoàn thành thủ tục thông quan và con số nhập khẩu cũng tương tự. Hiện, có hơn 900 xe nằm chờ tại đây.

Như vậy, tính riêng hai cửa khẩu lớn nhất của Lạng Sơn, số lượng phương tiện nằm chờ xuất khẩu đã gần 1.400 xe, chủ yếu là mặt hàng thanh long do loại quả này đang vào mùa thu hoạch chính vụ.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, quy trình xuất khẩu hàng hóa hiện nay tại cửa khẩu Hữu Nghị là, phương tiện sau khi hoàn thành thủ tục thông quan, sẽ có xe chuyên biệt tiếp nhận rơ moóc để kéo sang Trung Quốc, làm thủ tục giao nhận xong, rơ moóc mới được trả về cho lái xe Việt Nam.

Anh Nguyễn Ngọc D., tài xế vận chuyển container thanh long từ Bình Thuận cho biết, anh lên cửa khẩu vào ngày 18/5, chờ cho đến ngày 7/6, xe mới hoàn thành thủ tục thông quan. Nhưng cho đến nay, anh vẫn phải nằm chờ không biết đến khi nào để nhận lại rơ moóc của mình.

Gần 1.400 xe đang ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn (ảnh Hữu Thắng)

Theo anh Phạm Trọng Sơn, lái xe từ Quảng Ngãi, thời gian để một xe được thông quan hiện nay ít nhất là 20 ngày.

“Cộng cả thời gian nằm chờ để nhận lại rơ moóc thì khoảng một tháng là may mắn lắm rồi. Chưa kể những trường hợp bị chủ hàng trừ tiền do hoa quả hư hỏng, số tiền nhiều khi lên đến cả trăm triệu đồng, tài xế chỉ biết kêu trời thôi”.

Chị Huỳnh Thanh Ngọc Linh, vợ của một lái xe theo chồng rong ruổi cho biết, hai vợ chồng chị lên đến cửa khẩu là ngày 11/5, hàng đã được xuất khẩu nhưng vẫn đang nằm chờ nhận lại ro moóc. Nhận xong, còn phải xoay sở để làm sao có hàng chiều về, mong bù lỗ được chi phí đồng nào hay đồng đó.

“Hai vợ chồng nằm đây cả tháng trời, tiền ăn uống, bến bãi chịu sao thấu. Giờ chỉ mong sớm nhận lại xe để quay đầu về thôi. Chuyến này, hòa vốn được là hên đó”.

Sinh hoạt của các lái xe hết sức khó khăn và tạm bợ (ảnh Hữu Thắng)

Ghi nhận của Người Đưa Tin, tình hình sinh hoạt tại điểm nằm chờ cửa khẩu của các tài xế hiện nay hết sức khó khăn và tạm bợ. Vệ sinh cá nhân cũng là một vấn đề lớn khi nhiều lái xe cho biết, họ phải đi bộ gần 2 km, mất 30 nghìn cho một lần tắm giặt.

Nhiều lái xe đã chủ động mang theo các phương tiện sinh hoạt như bếp gas, bát đũa…nhưng cũng chỉ là những bữa ăn vội, đạm bạc cho qua bữa.

Khó cải thiện tình hình

Bàn về nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Đoàn Thu Hà cho biết, chính quyền tỉnh đã hết sức nỗ lực, đàm phán với phía nước bạn nhưng do chính sách “Zero Covid”, nên việc tầm soát, kiểm tra hàng hóa chặt chẽ của phía Trung Quốc khiến tình hình không cải thiện nhiều.

Mặt khác, bước sang năm 2022, các quy định về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu chất lượng hàng hóa tại Lệnh 248, 249 của Trung Quốc chính thức có hiệu lực, điều này cũng khiến các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với hành hóa nhập khẩu nghiêm ngặt hơn dẫn đến xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu của Việt Nam.

Sẻ chia của “những người cùng khổ” (ảnh Hữu Thắng)

Phó Chủ tịch Lạng Sơn khuyến cáo, để hạn chế thiệt hại, các doanh nghiệp, người dân Việt Nam nên tăng cường năng lực chế biến sâu, nhất là đối với sản phẩm trái cây tươi. Đẩy nhanh công tác cấp mã số vùng trồng để giúp quá trình nhận diện hàng hóa, truy xuất nguồn gốc được minh bạch, giúp rút ngắn thời gian thông quan.

“Trong bối cảnh chung, chúng ta không thể làm khác, việc cần nhất lúc này là nâng cao năng lực tự thân trong sản xuất, chế biến giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa. Chính quyền tỉnh Lạng Sơn sẽ liên tục cập nhật tình hình để người dân, doanh nghiệp trong nước chủ động trong công tác sản xuất, tiêu thụ”, bà Hà đưa ra khuyến nghị.

Lê Tuấn - Hữu Thắng