Dân sinh

Hơn 100 ngôi mộ “vây” làng, chính quyền bất lực?

Hàng trăm ngôi mộ mọc xung quanh nhà ở đang là nỗi ám ảnh của nhiều người dân tại xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua. Mặc dù đã nhiều lần phản ánh qua các buổi tiếp xúc cử tri, thế nhưng chính quyền địa phương vẫn đang bất lực trong việc xử lý quy hoạch nghĩa trang, khiến nhiều người dân nơi đây hết sức bức xúc.

Sống chung với thế giới “người âm”

Bước chân vào xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An không khó để nhìn thấy một khu nghĩa địa tự phát nằm trong lòng dân cư. Điều đáng nói, khoảng cách giữa nhà dân và những ngôi mộ này nằm sát nhau, nhà xa nhất cũng chỉ vài chục mét, nhà gần chỉ cách vài bước chân.

Một số ngôi mộ này có từ rất lâu, xuất hiện cùng lúc với thời điểm người dân đến đây lập làng. Theo người dân, do trước kia không có khu nghĩa địa của xã, nên nhiều gia đình thường chôn người mất trong khuôn viên vườn nhà. Nhưng do người chết tăng nên đã đưa ra khu nghĩa địa tự phát này để chôn cất.

Những ngôi mộ nằm lọt thỏm trong khu dân cư.

“Mấy năm gần đây, diện tích khu nghĩa địa trở nên chật hẹp do số người chết tăng, vậy là “bỗng dưng” các khu mộ ngày càng tràn xuống ở gần với nhà dân. Cũng vì vậy, giờ đây nhiều hệ lụy xuất hiện ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi”, ông Nguyễn Thanh Sơn, người dân địa phương cho hay.

Vào mùa nắng nóng, mùi xú uế ở nghĩa địa bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân sống xung quanh. Chưa hết, hiện tượng rác thải nằm xen lẫn giữa các ngôi mộ, chất thải gia súc do người dân chăn thả khiến khu nghĩa trang thêm phần nhếch nhác.

“Trước kia dân cư thưa thớt nên những ngôi mộ này nằm cách khá xa khu dân cư. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi dân cư phát triển, nhu cầu đất xây nhà ở càng lớn nên nghĩa trang bị thu hẹp. Một số gia đình vẫn tiến hành chôn cất người mới mất khiến những hộ sống sát mồ mả phải chịu”, một người dân lắc đầu cho hay.

Các ngôi mộ liên tiếp "mọc lên" do thiếu đất chôn cất.

Theo quan sát, chỉ một đoạn đường dài chưa đến 500m nhưng đã có hơn 100 ngôi mộ “bủa vây” các nhà dân. Có nhà, 3 ngôi mộ “án ngữ” ngay trước cổng ra vào, khói hương nghi ngút. Những ngôi mộ cũ bám rêu xanh hoặc ngôi mộ mới nằm san sát nhau, liền kề với giếng nước, bếp ăn, cổng ra vào của các hộ dân. Thậm chí có những ngôi mộ còn nằm cao hơn cả nhà ở.

Nhiều năm sống chung với mồ mả, một số người dân đành phải chấp nhận sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày. Tại khu vực này, trẻ em vô tư chơi đùa, dù bên kia đường là phần đất của “người âm”.

Hứa mãi vẫn không thể giải quyết

Ông Nguyễn Duy Mai, Chủ tịch xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người sống ở gần mồ mà như hiện nay là do các gia đình xâm lấn đất để ở nên nghĩa trang quá tải.

“Hầu hết các hộ gia đình ở đó đều chưa được chính quyền xã cấp sổ đỏ. Trên bản đồ có từ năm 1984 thì toàn bộ khu vực đó đều nằm trong quy hoạch nghĩa trang Cồn Lim. Nếu làm theo quy định thì những hộ dân nơi đây phải di dời nhà, nhưng họ đã sống ở đây mấy chục năm nên chính quyền cũng bất lực”, ông Mai nói.

Người dân sinh sống gần khu nghĩa trang tự phát này.

Điều đáng nói, nghĩa trang của xã có tổng diện tích khoảng trên 2ha. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, khi diện tích nghĩa trang Cồn Lim bị thu hẹp do số lượng người chết và an táng tại đây tăng nhanh, thì các khu mộ ngày càng tràn xuống ở gần với nhà dân.

Về việc di chuyển các khu mộ ra khỏi khu dân cư, vị Chủ tịch xã cũng cho biết hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vấn đề trên. Bởi những ngôi mộ ở đây tồn tại nhiều năm liên quan đến vấn đề tâm linh khiến việc di dời là vô cùng khó khăn.

“Hơn 2 năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã cấm người dân không được lấn chiếm và chôn cất người chết ở gần khu dân cư, tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Hiện, chúng tôi đang quy hoạch nghĩa trang nhưng việc di dời dân cư hay nghĩa trang vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định”, ông Mai cho hay.

Dù phản ánh nhiều nhưng tình trạng vẫn không thay đổi.

Được biết, theo quy định, tiêu chí để xây dựng nông thôn mới là phải có nghĩa trang nhân dân, xây dựng theo quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có quy chế về quản lý nghĩa trang. Tuy nhiên, mặc dù vấn đề nghĩa trang đang quá tải, nằm sát nhà dân và chưa được giải quyết một cách triệt để, nhưng ngày 16/4/2017, xã Thanh Lương vẫn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

“Ngày xã đón nông thôn mới, chính quyền có hứa giải quyết dứt điểm, nhưng đến nay vẫn có hàng trăm ngôi mộ. Điều đáng nói dù cấm nhưng cách đây vài năm vẫn có ngôi mộ mới. Chúng tôi đang chờ chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm”, ông Sơn nói.