Tài chính - Ngân hàng

Hơn 100.000 doanh nghiệp "rút lui" khỏi thị trường do dịch Covid-19

Số liệu này được nêu trong buổi công bố Báo cáo "Tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" sáng nay (12/3).

Doanh nghiệp chịu tác động nặng nề vì Covid-19

Sáng 12/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (The World Bank) tổ chức Lễ công bố báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam". Theo đó, báo cáo trên nhằm nhận diện tác động của đại dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm hiểu khả năng ứng phó của doanh nghiệp trước đại dịch cũng như đề xuất với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, báo cáo trên được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của hơn 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại v à Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc

“Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo báo cáo, trên 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, 89% doanh nghiệp tư nhân và 92% doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động dưới 3 năm chịu ảnh hưởng ở mức lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng nhận định, năm 2020 là một năm đầy biến động và có nhiều thách thức nhất trong vòng 100 năm qua. Về tác động của dịch Covid-19 đến ngành nghề sản xuất, ông cho biết đối với doanh nghiệp tư nhân, ngành may mặc (97%), ngành thông tin truyền thông (96%) và ngành sản xuất thiết bị điện (94%) bị ảnh hưởng mạnh nhất. Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, ảnh hưởng về dòng tiền, chuỗi cung ứng và vấn đề lao động của doanh nghiệp.

Cũng theo báo cáo, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân phải cho người lao động nghỉ việc chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm lần lượt 35% và 36%. Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải cho người lao động nghỉ việc chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp lớn, vừa, lần lượt là 32% và 26%. Trong đó, tỷ lệ lao động trung bình bị nghỉ việc do ảnh hưởng Covid-19 tại doanh nghiệp chủ yếu là những ngành thường xuyên phát sinh nhu cầu giao tiếp, tương tác. Cụ thể là doanh nghiệp tư nhân có ngành thông tin, truyền thông chiếm 45%, doanh nghiệp FDI có ngành hành chính, dịch vụ hỗ trợ chiếm 80%.

Tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 khiến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây. Đây cũng là năm có số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục là hơn 100.000 doanh nghiệp, tăng 14% so với năm trước.

Tuy nhiên, đứng trước những thách thức khiến nhiều doanh nghiệp cũng đã “thức tỉnh” và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó để vượt qua đại dịch. Theo phát biểu của ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã thực hiện tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều đến việc xây dựng thị trường nội địa, nguồn cung ứng và từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Nhà nước cần làm gì để “vực dậy” doanh nghiệp?

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động do dịch Covid-19. Ngay từ thời điểm đầu dịch bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để ứng phó với đại dịch.

Qua đó, chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng và gia hạn nộp thuế đất nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Ngược lại, việc vay lãi suất 0% trả lương cho lao động được đánh giá là khó tiếp cận nhất. 75% doanh nghiệp đánh giá các chính sách của nhà nước là hữu ích, tuy nhiên còn nhiều rào cản cần cải thiện để mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, từ thực tiễn chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua, bên cạnh việc đề xuất những giải pháp trước mắt như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm chi phí đóng góp BHXH thì cần chú ý đến những giải pháp dài hạn, không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.

“Tất cả các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đều trong tình trang thiếu vốn trầm trọng, trong đó ngành dệt may và du lịch là điển hình nhất. Vì vậy tôi mong rằng trong gói hỗ trợ tín dụng nên mở rộng và hạn chế các rào cản, đặc biệt là cho doanh nghiệp vay tín chấp. Bởi tháo gỡ được việc hỗ trợ về vốn lưu động cho doanh nghiệp thì sự phục hồi của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn”, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại buổi lễ

Cũng phát biểu trong buổi trao đổi, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam nhận định, tuy đại dịch Covid-19 có sức tàn phá nặng nề, nhưng cũng là một cơ hội giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh mới để phù hợp với thị trường. Theo đó, những doanh nghiệp không có sự thay đổi, điều chỉnh sẽ bị đào thải. Bên cạnh đó, nó còn thúc đẩy chuyển đổi số, công tác quản trị công và nếu tận dụng tốt có thể đem lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế của Việt Nam.

“Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của các nhóm doanh nghiệp này. Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ lao động cao, hỗ trợ ch phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ và tính cạnh tranh cho người lao động”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.