Toàn cảnh

Hơn 1 triệu thuê bao có nguy cơ bị khóa 2 chiều

Khoảng 1,2 triệu thuê bao di động đã bị khóa một chiều từ ngày 31/3 và có nguy cơ sẽ bị khóa hai chiều nếu không chuẩn hóa thông tin trước hạn ngày 15/4.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính từ 1/4 đến hết 10/4 đã có thêm 394.000 thuê bao chuẩn hóa thông tin.

Những thuê bao này nằm trong số 1,67 triệu sim bị khóa một chiều từ cuối tháng trước do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện còn khoảng 1,2 triệu thuê bao di động có nguy cơ sẽ bị khóa hai chiều nếu không chuẩn hóa trong 3 ngày tới.

Đối với các SIM bị khóa 1 chiều hiện tại, chủ sở hữu số điện thoại không thể thực hiện kết nối chiều đi cũng như truy cập internet, nhưng vẫn nhận được kết nối chiều đến. Để mở dịch vụ bình thường, người dùng cần cập nhật và chuẩn hóa để thông tin trùng khớp với CSDLQG về dân cư bằng cách mang giấy tờ tùy thân đến cửa hàng, đại lý của nhà mạng hoặc sử dụng sóng wi-fi trên thiết bị di động, truy cập vào ứng dụng do đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đang dùng và thao tác theo hướng dẫn.

Trường hợp SIM đã bị khóa 2 chiều (sau ngày 15/4), người dùng sẽ phải đến điểm giao dịch gần nhất để tiến hành thủ tục mở khóa. Hạn chót để chủ thuê bao giữ lại số điện thoại đang dùng là ngày 15/5. Sau thời điểm này, hợp đồng viễn thông đã ký trước đó sẽ bị hủy, nhà mạng thu hồi số điện thoại.

Chia sẻ với Tiền Phong, đại diện VinaPhone cho biết, để thuận tiện, tối ưu cho khách hàng trong việc bổ sung, chuẩn hóa thông tin tại các điểm giao dịch VNPT-VinaPhone, ngoài việc kéo dài thời gian làm việc đến 21h mỗi ngày, bộ phận chức năng và nhân viên kỹ thuật cũng được tăng cường để đáp ứng nhu cầu của người dân, khách hàng.

Kênh tổng đài 18001091 hoạt động 24/7 để hỗ trợ, giải đáp các thông tin có liên quan, trợ giúp khách hàng chuẩn hóa nhanh chóng, tiện lợi nhất.

Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, việc chuẩn hóa các thuê bao còn lại gặp khó khăn do một tỉ lệ nhất định khách hàng đang sống ở vùng sâu, vùng xa. Ông Sơn cho biết, Viettel quyết tâm đến trước ngày 15/4 sẽ phải tiếp cận đến tệp khách hàng này để bảo vệ quyền lợi khách hàng và thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Cùng với việc chuẩn hóa các thuê bao đang hoạt động, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, sẽ tiến tới đối soát thông tin thuê bao ngay khi khách hàng mua sim. Việc này sẽ được triển khai từng bước, thí điểm ở quy mô nhỏ, sau đó nhân rộng.

Bên cạnh đó, Cục Viễn thông đã có công văn đề nghị các nhà mạng công bố, đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp trực tiếp uỷ quyền) theo từng tỉnh, thành phố.

Tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung có liên quan tới các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhân viên trực tiếp thực hiện đăng ký, phát triển, chuẩn hoá thông tin thuê bao, bảo đảm tất cả các thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá lại phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.

Cục Viễn thông cho biết, trường hợp nhà mạng vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới. Đặc biệt là với các hành vi như cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao 2 đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao.

Minh Hoa (t/h)