Dân sinh

Hội thảo khoa học quốc tế hợp tác các trường đại học Ấn Độ và Việt Nam

Hội thảo nhằm cung cấp những kiến thức liên quan đến sức khoẻ và quản lý bệnh trong tình hình mới, sau đại dịch Covid-19.

Ngày 28/12, Trường đại học Cửu Long (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Hợp tác giữa các trường đại học Ấn Độ và Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực y tế thời kỳ hậu Covid-19 - Thực trạng và giải pháp” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự Hội thảo có ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.HCM; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.HCM); lãnh đạo bệnh viện một số tỉnh Khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng y dược tại Khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt có sự góp mặt gần 180 đại biểu là nhà khoa học là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học sức khoẻ.

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Lương Minh Cừ phát biểu khai mạc hội thảo.

Về phía Trường đại học Cửu Long có Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường đại học Cửu Long; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dũng - Phó Hiệu trưởng; Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan - Phó Hiệu trưởng; Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt - Cố vấn cấp cao Ban Giám hiệu; Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh - Cố vấn cấp cao Ban Giám hiệu; đại diện lãnh đạo các Khoa, phòng, Trung tâm trực thuộc Nhà trường và gần 250 sinh viên Khoa Khoa học sức khoẻ cùng tham dự.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ  thông tin: Từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 11 năm 2023 vừa qua, đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và đoàn đại biểu xúc tiến đầu tư và Thương mại của tỉnh Vĩnh Long do ông Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long dẫn đầu đã làm việc tại Ấn Độ.

Trường đại học Cửu Long được UBND tỉnh mời tham gia chuyến công tác này tại Ấn Độ và Sri Lanka. Trong 10 ngày làm việc liên tục và trách nhiệm, Đoàn đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 quốc gia và tỉnh Vĩnh Long với các cơ quan, doanh nghiệp của Ấn Độ.

Riêng Trường đại học Cửu Long đã ký kết hợp tác toàn diện với Trường Đại học Siksha “O” Anusaandhan University, Trường DY Patil Deemed to be University, với Viện nghiên cứu Y học - Ấn Độ, và một số trường đại học, doanh nghiệp khác của Ấn Độ tại Thủ đô New Delhi, Mumbai…

Hội thảo hôm nay, các đại biểu cần tập trung phân tích một số vấn đề sau: Đào tạo khối ngành khoa học sức khoẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Quản lý bệnh viện và nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ thị trường quốc tế. Quản lý dịch bệnh trong tình hình mới, sau đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Liên kết đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao Khoa học công nghệ dược phẩm giữa Việt Nam và Ấn độ. Các chủ đề khác liên quan lĩnh vực khoa học sức khoẻ của Ấn độ và Việt Nam.

Ban Tổ chức Hội thảo rất mong nhận được sự đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các vị Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ. Những ý kiến sâu sắc, có giá trị khoa học lớn góp phần giúp cho Hội thảo thành công tốt đẹp.

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.HCM phát biểu tại hội thảo.

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.HCM khẳng định: Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đòi hỏi nhiều kiến ​​thức và thực hành hàn lâm.

Hội thảo là cơ hội để tiếp thu không chỉ kiến ​​thức học thuật mà còn để phát triển các kỹ năng mềm cần thiết để tự tin và giao tiếp hiệu quả. Hy vọng các nhà khoa học tham gia thảo luận, chia sẻ hiểu biết sâu sắc và thực hành các kỹ năng mềm thúc đẩy sự phát triển y học của hai đất nước.  

Phó giáo sư, tiến sĩ E Venkata Rao - Viện Khoa học Y tế và Bệnh viện Sum (Ấn Độ) trình bày trực tuyến đề tài Tìm hiểu lịch sử tự nhiên của bệnh tật Điều kiện tiên quyết để quản lý đại dịch.

Hội thảo đã nhận được 42 bài viết tham luận từ các thầy (cô) và nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học sức khoẻ xoay quanh nội dung: Hợp tác giữa các trường đại học Ấn Độ và Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực y tế thời kỳ hậu Covid-19 - Thực trạng và giải pháp.

Tại Hội thảo có 15 bài tham luận trực tiếp và trực tuyến. Trong đó có 6 bài của các chuyên gia nước ngoài (Ấn Độ, Canada, Đài Loan, Thái Lan), 9 bài trong nước của các chuyên gia đến từ một số trường đại học có đào tạo khối ngành sức khoẻ, Sở y tế một số tỉnh trong khu vực với các đề tài: Tìm hiểu lịch sử tự nhiên của bệnh tật: Điều kiện tiên quyết để quản lý đại dịch; Bệnh tiểu đường mới khởi phát sau nhiễm Covid-19; Quản lý dịch bệnh trong tình hình mới, sau đại dịch dịch Covid-19; Bài học từ đại dịch Covid-19 - Thách thức và quản lý bệnh dịch trong tương lai;

Vai trò của vi sinh trong chương trình giám sát sử dụng kháng sinh; Khảo sát thực trạng, xác định nhu cầu và triển khai xây dựng năng lực về kiểm soát nhiễm khuẩn cho một số bệnh viện Khu vực phía Nam; Hợp tác đào tạo và khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm và y tế giữa Ấn Độ và Việt Nam; Yoga-massage sự kết hợp y học cổ truyền Việt Nam - Ấn Độ. Sự tương đồng giữa nền tảng năm thành tố và thuyết ngũ hành trong Y học cổ truyền Ấn độ và Việt Nam…

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.HCM) trình bày bài học từ đại dịch Covid-19, thách thức và quản lý bệnh dịch trong tương lai.

Chia sẻ về đề tài “Bài học từ đại dịch Covid-19- Thách thức và quản lý bệnh dịch trong tương lai”, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã đưa ra 5 bài học từ phòng chống dịch bệnh Covid 19.

Đồng thời, ông nêu ra những giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Kiểm soát dịch bệnh theo đường cong, giảm gánh nặng y tế tuyến trên. Tăng cường vắc-xin phòng chống covid-19, tăng cường mạng lưới y tế công cộng, y tế gia đình. Chủ động phòng chống dịch bệnh từ tuyến cơ sở. Chia sẻ thông tin toàn cầu thông qua những hợp tác. Tận dụng mạng lưới nghiên cứu khoa học. Đầu tư cơ sở hạ tầng, vắc-xin. Tiếp cận các nguồn lây từ sớm, phát triển nghiên cứu.

Theo bác sĩ Nam, khoảng 75% bệnh nhân bị nhiễm bệnh là do tiếp xúc từ nguồn động vật hoang dã, do đó phải kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển thú nuôi. Đẩy mạnh truyền thông hiệu quả về các loại dịch bệnh, hỗ trợ điều trị dịch bệnh. Kiểm soát và ngăn chặn kịp thời những thông tin không chính xác sẽ dẫn đến khó khăn trong phòng chống dịch bệnh. Tăng cường hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho phòng chống dịch bệnh…

Thông qua Hội thảo nhằm kết nối quan hệ hợp tác, trao đổi tri thức giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức liên quan, gợi mở kiến thức liên quan đến khoa học sức khoẻ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Trọng Nghĩa - Văn Dô