Giải khác

Hỡi PSG! 10 năm vẫn tranh nhau quả penalty là sao?

Để mà nói về những Drama của PSG thì các phim cung đấu Trung Quốc, những bộ phim nghìn tập Ấn Độ hay thập cẩm thị phi của Hollywood phải “cắp sách” theo học dài dài.

 

Penalty, câu chuyện thập kỷ tại PSG

Khởi nguyên của cái “dớp” drama bắt đầu từ năm 2013, 2 năm sau khi PSG nhận nguồn tiền từ Qatar, và xoay quanh 2 ngôi sao Ibrahimovic cùng Cavani. Ngắn gọn câu chuyện đó là, trong 1 trận đấu, Ibra đã có bàn thắng cho riêng mình, và PSG được hưởng phạt đền ở những phút cuối. Cavani ngỏ ý muốn thực hiện cú sút, nhưng “King Zlatan” lạnh lùng cầm quả bóng và ngó lơ người đồng đội.

Cavani đành “ngậm đắng nuốt cay”, cho đến khi được chỉ định trọng trách đá phạt 11m vào năm 2015, thời điểm Ibra liên tục gặp chấn thương và nghỉ thi đấu. Tiền đạo người Thụy Điển, sau khi rời PSG, đã kể lại rằng anh đã ghét Cavani đến mức “hắt nước đổ đi” vào thời gian đó, chỉ vì thái độ huênh hoang của kẻ gặp thời.

 

Thế nhưng Cavani cũng không có đặc quyền trên chấm luân lưu được lâu. Neymar đến năm 2017 với bản hợp đồng kỷ lục, và nghiễm nhiên trở thành “Vua Paris”, biệt danh mà tờ L’Equipe đặt. Chỉ trong vòng từ tháng 9/2017 đến tháng 1/2018, NHM PSG đếm được 3 lần Neymar tranh đá pen với Cavani. Có tình huống, Dani Alves đã giữ khư khư quả bóng chỉ để người đàn em đồng hương được “ăn pen”.

Cavani rời đi, và rồi Neymar cũng chẳng còn là “Vua”, khi Kylian Mbappe xuất hiện. Và mới nhất, cuộc chiến tranh giành phạt đền lại diễn ra. Vòng 2 Ligue 1 2022/23, trước Montpellier, Mbappe đá hỏng quả 11m đầu tiên. Ở cuối trận, khi PSG được hưởng penalty lần 2, Mbappe đã đến “xin” Neymar được đá. Thế nhưng chân sút người Brazil đã phớt lờ người đồng đội, cứ thế dứt điểm thành bàn.

 

Không chỉ dừng ở phạt đền

Tất cả mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại trên chấm phạt đền, nếu như đó không phải là PSG. Ở nơi mà những ngôi sao đua nhau khoe tài, thì ai có quyền đá 11m sẽ được coi là “kẻ lĩnh xướng”. Đó như là “giấy chứng nhận” sức ảnh hưởng trong phòng thay đồ, là “vua của các vị vua”.

Nào, hãy cùng quay lại trường hợp của Ibrahimovic và Cavani. Khi Cavani mới đến vào năm 2013, anh là “lính mới”, phải chịu sự “đàn áp” của Ibra. Thế nhưng chỉ sau đó 2 mùa, khi chứng tỏ được bản lĩnh và khả năng ghi bàn siêu hạng, cùng với sự sa sút của tiền đạo Thụy Điển, Cavani lập tức thể hiện thái độ là con sói đầu đàn, sẵn sàng đánh bật Zlatan khỏi Công viên các Hoàng tử.

 

“Motif” đó được lặp đi lặp lại qua mọi thời kỳ, như những bộ phim thị trường làm theo công thức. Đến hiện nay, các “nhân vật chính” được ghi vào danh đề của “bộ phim” đó đang là Neymar và Mbappe. Một là bản hợp đồng kỷ lục, từng được coi là chìa khóa thành công cho CLB. Nhưng phía đối diện lại là “tân Phó chủ tịch”, là “cậu ấm” của bóng đá Pháp được cưng nựng, chiều chuộng, âu yếm từ NHM cho đến… tổng thống Pháp.

Vì anh, vì tôi, hay… vì ai?

Các drama diễn ra đều có nguyên nhân của nó. Việc các cầu thủ tranh nhau đá phạt đền không phải là hiếm. Ở các CLB lớn đến đội bóng tầm trung, đôi khi vẫn có hiện tượng này. Tuy nhiên, để tình trạng đó diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại như ở PSG, chỉ có thể là do công tác quản trị yếu kém từ giới thượng tầng.

PSG đã thay đổi bản đồ thống trị của bóng đá Pháp cũng như châu Âu, kể từ khi dòng tiền Qatar được đổ vào đội bóng thủ đô từ năm 2011. Họ chỉ “chậm” 1 năm so với Man City, đội bóng cũng được bơm tiền từ Trung Đông. Dù thế, trái với kiểu cách “thiết quân luật” như CLB nước Anh, Ban quản trị PSG lại chọn cách o bế các ngôi sao, biến họ thành những “ông vua con”, “ông tướng bé”. 

 

Nếu như Bayern Munich vào những năm 1990 được mệnh danh là “FC Hollywood”, Real Madrid ở đầu thế kỷ 21 là “Galacticos”, thì PSG hiện nay có lẽ phải gấp 4, 5 lần về độ nghiêm trọng tiêu cực. Điểm khác biệt giữa 2 đội bóng kia, đó là họ vẫn có Champions League, còn PSG chỉ biết nhìn vào chiếc cúp tai voi mà “thèm nhỏ dãi”.

Thường xuyên mang về những ngôi sao, liên tục thay thế những biểu tượng, lựa chọn hàng loạt chiến lược gia tài ba, để rồi giờ đây PSG chỉ là đống hổ lốn chưa được dọn dẹp. Mâu thuẫn giữa Neymar và Mbappe đang bị đẩy lên đỉnh điểm, có khi trở thành “một mất một còn”. Với tình thế bất ổn trong phòng thay đồ như vậy, làm sao đội bóng nước Pháp có thể nghĩ đến việc hoành hành quốc nội, phong độ bền lâu, chinh phục châu Âu, dẫn đầu thế giới?

Về vấn đề hiện tại, chắc chắn sẽ có người phải bị “xử trảm”. Hãy thử hình dung thế này, Mbappe là tương lai, Neymar là bom tấn, Messi, Verratti, Hakimi là ngôi sao. Mbappe không chịu trách nhiệm, Neymar không chịu trách nhiệm, vậy ai không chịu trách nhiệm? Huấn luyện viên thôi, còn ai vào đây nữa.

 

Cái đầu của Christophe Galtier, nơi chứa đựng bộ óc thuộc dạng thiên tài về chiến thuật, giờ cũng phải mướt mồ hôi để nghĩ cách giải quyết. Chắc chắn cựu HLV của Lille cũng đã nhìn thấy viễn cảnh tương lai, từ trường hợp của người tiền nhiệm Mauricio Pochettino, hay xa hơn là Thomas Tuchel. Thật sự, Pochettino có lỗi lầm gì đâu! Ông chỉ không vừa ý các ngôi sao mà thôi.

Nếu chất xám của Galtier lẽ ra được dùng vào các trận cầu đỉnh cao, những tính toán chiến thuật; nếu các ngôi sao ở PSG đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng; nếu ban lãnh đạo từ Qatar không chiều cầu thủ như… “chiều vong tháng 7 âm”, có lẽ mọi chuyện đã khác.

Nhưng “chỉ với một chữ nếu, người ra có thể cho cả Paris vào một cái chai”. NHM PSG lúc này chỉ có thể chống cằm chờ đợi. Chờ một ngày, câu chuyện phạt đền, vấn đề 10 năm hay xa hơn là nội bộ của CLB được xử lý. Đến lúc ấy, may chăng mới nghĩ đến được thành công lớn.