Cần biết

Hội nghị tổng kết mô hình Quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch và kết nối thị trường theo hướng thông minh tại Lai Châu

Đây là Hội nghị KH&CN thuộc đề tài cấp tỉnh; Chủ nhiệm dự án là Thạc sỹ Nguyễn Văn Tuân - Phó Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục cùng các cộng sự triển khai thực hiện.

Chủ trì Hội nghị có Tiến sỹ Dương Đình Đức - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh lai châu; Phó Giáo sư, Tiến sỹ (PGS.TS) Dương Tiến Sỹ - Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND các huyện: Tam Đường, Sìn Hồ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Kinh tế một số huyện, thành phố và doanh nghiệp thụ hưởng Dự án…

Nhằm giới thiệu mô hình quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch và kết nối thị trường một số nông sản theo hướng thông minh, lợi ích của việc áp dụng mô hình tại Lai Châu, cuối năm 2019, Sở KH&CN tỉnh phối hợp với Viện Phát triển công nghệ và giáo dục triển khai thực hiện mô hình.

Theo đó, đã tiến hành đánh giá thực trạng quản lý, truy xuất, giám sát, minh bạch và kết nối thị trường theo hướng thông minh một số sản phẩm nông sản. Trong đó có chè (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường); rau (rau thủy canh thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thương mại Hà Sơn); miến dong (Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư).

Đồng thời, khảo sát và lắp đặt hoàn thành hệ thống thiết bị cho 3 đơn vị phối hợp thực hiện và đưa vào vận hành sử dụng. Bao gồm: hệ thống camera giám sát; hệ thống điện năng lượng mặt trời; máy in tem nhiệt chất lượng cao. Xây dựng thành công hệ thống 12 phần mềm trong bộ giải pháp của mô hình. Số hóa dữ liệu cho 3 đơn vị. Khởi động thành công Cổng thông tin http://laichau.smartgap.vn số hóa các hoạt động của 3 mô hình lên cổng thông tin và phát hành tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 3 đơn vị của 3 mô hình.

Ngoài ra, Viện phát triển công nghệ và giáo dục đã tổ chức tập huấn, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 6 kỹ thuật viên của 3 đơn vị về sử dụng, khai thác phần mềm nhật ký điện tử và 2 quản trị viên của Sở KH&CN tỉnh về quản trị Cổng thông tin http://laichau.smartgap.vn. Mở 2 lớp tập huấn quy trình áp dụng smartgap cho hơn 50 lượt hộ nông dân sản xuất chè, miến dong và rau… Tổng kinh phí triển khai và thực hiện mô hình là 3.988.000.000 đồng.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, qua đánh giá sơ bộ, các thiết bị đều được chứng nhận tiết kiệm năng lượng (điện, nước) và nhân lực trong quá trình sản xuất. Toàn bộ dữ liệu được hệ thống số hóa và lưu trữ theo công nghệ Blockchain, sản phẩm sản xuất được cơ quan nhà nước giám sát từ đầu, người tiêu dùng có thể vừa truy xuất đồng thời vừa thực hiện chức năng kiểm tra, các khách hàng tiềm năng hoàn toàn có thể xem trước quy trình sản xuất sản phẩm tại thời gian thực và xem lại quy trình sản xuất sản phẩm với thời gian lưu trữ lên đến hơn 30 ngày. Mô hình tổng hợp ứng dụng, kết nối đồng bộ các giải pháp cụ thể và kết nối thị trường cho nông sản tỉnh Lai Châu có triển vọng tốt, góp phần thúc đẩy chương trình an toàn thực phẩm phát triển. Đây là tiền đề để đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử smartgap.vn giúp quảng bá và xuất khẩu sản phẩm nông sản từ việt nam ra nước ngoài theo đường chính ngạch từng bước đưa nông sản việt nam vươn tầm ra thế giới.

Phát biểu thảo luận, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã thụ hưởng, các đơn vị, địa phương mong muốn Ban chủ nhiệm Dự án tiếp tục hướng dẫn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” đảm bảo đơn vị thụ hưởng nắm vững quy trình kỹ thuật, công nghệ triển khai thực hiện ở các khâu; dự trù kinh phí thực hiện việc truy xuất khi triển khai nhân rộng cho mỗi mô hình; hỗ trợ các địa phương tổ chức tập huấn…

Thạc sỹ Nguyễn Văn Tuân – Phó viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục, Chủ nhiệm Dự án trả lời, làm rõ những ý kiến của các đại biểu. Đồng thời đề xuất: Để mô hình tiếp tục triển khai mở rộng và thu được hiệu quả thực tế, các cơ quan chức năng, đơn vị dự nghiệp cần Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xut ngun gc thống nhất trong cả nước; Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc. Tái cấu trúc quy mô sản xuất, sản xuất theo Hợp đồng thông qua HTX, doanh nghiệp với quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo chuỗi, tiến tới xóa bỏ các chợ cóc, buôn bán thúng mẹt rau và thực phẩm không rõ xuất xứ nguồn gốc, không được giám sát minh bạch trên thị trường phân phối. Hỗ trợ ưu đãi về chính sách, vốn, KHCN, chế tài áp dụng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, OrganicGap (ứng dụng các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao). Kiên trì các giải pháp giám sát cộng đồng, kiểm tra nội bộ, thuyết phục, giáo dục, tuyên dương, khen thưởng các gương sáng, điển hình tốt trong sản xuất thực phẩm/ rau an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, có răn đe, xử phạt nghiêm minh với các đối tượng vi phạm, gây mất an ninh, an toàn thực phẩm. Sản phẩm của dự án sẽ tốt hơn nhiều nếu như được trang bị thêm cụm thiết bị thông minh bao gồm trạm thời tiết thông minh và trạm bẫy côn trùng để cung cấp những thông tin cảnh báo sớm về thời tiết, khí hậu tiểu vùng theo thời gian thực; đồng thời cảnh báo sớm sâu, bệnh hại vật nuôi, cây trồng nhằm phục vụ tốt cho quá trình truy xuất theo các hệ thống tiêu chuẩn GAP trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS Dương Tiến Sỹ - Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục; Tiến sỹ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh đánh giá cao công tác phối hợp triển khai thực hiện Dự án của các đơn vị liên quan cùng doanh nghiệp, hợp tác xã thụ hưởng. Đồng thời yêu cầu Ban chủ nhiệm Dự án tiếp tục hoàn thiện, hỗ trợ các đơn vị thụ hưởng nắm bắt kiến thức, quy trình cũng như thành thạo trong thực hành. Thông tin 2 chiều, hỗ trợ các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh có nhu cầu triển khai nhân rộng để thời gian tới, các mặt hàng nông sản của Lai Châu ngày càng vươn xa và khẳng định thương hiệu tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trước khi vào Hội nghị, các đại biểu tham quan thực tế mô hình tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thương mại Hà Sơn tại bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

SMARTGAP VIỆT NAM

Trụ sở chính: Số 57, Phố Hạ Đình, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam Điện thoai: 082.723.9999 - 02439013333 Email: tuannv@opto.com.vn

Thu Hà