Thế giới

Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels thảo luận nhiều vấn đề nóng

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Thủ đô Brussels (Bỉ) trong 2 ngày 24-25/3/2022. Tại hội nghị, nhiều vấn đề nóng sẽ được mang ra thảo luận.

Cuộc xung đột tại Ukraine, hợp tác xuyên Đại Tây Dương, năng lượng, an ninh quốc phòng, các vấn đề kinh tế… là chủ đề sẽ được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels từ ngày 24-25/3.

Theo thông tin từ TTXVN, trong ngày họp đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng các nhà lãnh đạo EU thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine và công dân nước này cũng như việc tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Hội đồng châu Âu sẽ đánh giá những diễn biến gần đây về tình hình trên thực địa, đặc biệt là tình hình nhân đạo và người tị nạn. EU vẫn cam kết với Ukraine và đang nỗ lực cung cấp hỗ trợ về chính trị, tài chính, vật chất và nhân đạo cũng như hỗ trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn bạc về an ninh và quốc phòng, xây dựng trên Tuyên bố Versailles và tính đến tình hình an ninh mới ở châu Âu.

Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo EU sẽ thống nhất về cách thức EU có thể hành động nhanh chóng và quyết đoán hơn khi đối mặt với khủng hoảng, đồng thời bảo vệ lợi ích công dân của mình. Hội nghị cũng đề cập đến các khoản đầu tư quốc phòng và các công cụ tài chính.

Ngoài ra, Hội đồng châu Âu dự kiến sẽ thông qua Định hướng chiến lược, một sáng kiến nhằm tăng cường các chính sách an ninh và quốc phòng của EU xung quanh các chủ đề quản lý khủng hoảng, năng lực quốc phòng, khả năng phục hồi và quan hệ đối tác.

Về vấn đề năng lượng, tại cuộc họp không chính thức ở Versailles, các nhà lãnh đạo EU nhất trí từ bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu của Nga càng sớm càng tốt. Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về giá năng lượng tăng cao liên tục và tác động của chúng đối với người dân cũng như doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Ủy ban châu Âu sẽ cung cấp cơ sở cho cuộc thảo luận bằng cách đề xuất các cách thức làm cho giá năng lượng ở mức hợp lý và đảm bảo an ninh nguồn cung.

Hội đồng châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận về các cách thức để xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc hơn như đã nêu trong Tuyên bố Versailles, đặc biệt bằng cách giảm sự phụ thuộc chiến lược trong các lĩnh vực nhạy cảm như nguyên liệu thô quan trọng, chất bán dẫn, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật số và các sản phẩm thực phẩm.

Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu cũng sẽ thảo luận về các biện pháp để củng cố hơn nữa thị trường đơn lẻ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, cũng như các cách để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế EU.

Tại hội nghị, Hội đồng châu Âu sẽ bàn về các nỗ lực phối hợp để ứng phó với đại dịch Covid-19 và hợp tác quốc tế về quản trị y tế toàn cầu cũng như đoàn kết quốc tế, bao gồm cả việc triển khai tiêm vắc-xin. Dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), EU hy vọng sẽ có một công cụ trong tương lai nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Trong ngày 24/3 cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp của khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng được tổ chức tại Brussels (Bỉ). Đây là cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên của những lãnh đạo NATO kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine cách đây đúng 1 tháng.

Phát biểu trong ngày 23/3, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết, tại cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp, các lãnh đạo NATO sẽ thảo luận và ra các quyết định tiếp theo liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.

Một trong những động thái đầu tiên của NATO là việc khối này cho biết sẽ gửi các trang bị bảo hộ phòng độc và chống nhiễm xạ cho quân đội Ukraine. Trong những ngày qua, NATO và Nga đang liên tiếp đưa ra các chỉ trích và cáo buộc về việc đe doạ sử dụng vũ khí sinh hoá hoặc vũ khí hạt nhân.

Ngoài việc gia tăng các trợ giúp quân sự cho chính quyền Ukraine, các nước NATO cũng sẽ phải thảo luận một loạt các thách thức lớn, trong đó có đòi hỏi đang là xu hướng gia tăng từ một số nước thành viên rằng, NATO cần có các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn để ứng phó với Nga.

Trước cuộc họp, phía Ba Lan thông báo cho biết, nước này sẽ yêu cầu các lãnh đạo NATO thảo luận về sáng kiến lập một phái đoàn gìn giữ hoà bình của NATO, hoạt động tại Ukraine dưới sự bảo vệ của một lực lượng vũ trang. Phương án này hiện bị đa số các nước thành viên NATO phản đối với lý do không muốn bất kỳ lực lượng nào của NATO xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Nga.

Trước đó, các lãnh đạo NATO, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng đã nhiều lần bác bỏ các phương án khác như đóng cửa không phận Ukraine hay chuyển giao các khí tài hiện đại cho Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh Nga đang gia tăng cường độ của cuộc tấn công tại Ukraine và dư luận phương Tây ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, các lãnh đạo NATO đứng trước sức ép phải thiết lập các “lằn ranh đỏ” về việc sử dụng sức mạnh quân sự của NATO để chấm dứt cuộc chiến. Mặc dù vậy, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg vẫn khẳng định, ưu tiên trước hết của NATO là tăng cường an ninh ở sườn Đông của khối.

Tiếp nối cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp của NATO trong sáng 24/3 tại Brussels là cuộc họp Thượng đỉnh G7, quy tụ 7 nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada và Nhật Bản.

Theo các thông tin phát đi từ phía Mỹ, nội dung thảo luận chính của G7 sẽ là các biện pháp trừng phạt tiếp theo mà các nước phương Tây dự kiến áp dụng với Nga, cũng như thảo luận về các chính sách nhằm tránh khủng hoảng năng lượng. Phát biểu ngay trước khi lên đường sang châu Âu, Tổng thống Joe Biden cho biết, tại Brussels ông sẽ thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số chính trị gia và tài phiệt Nga.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV)