Giáo dục

Hội nghị phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên tại Đắk Lắk

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBDT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên.

Đảm bảo cơ sở, chất lượng giáo dục 

Sáng 24/3, tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh chù trì Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hội nghị là dịp, căn cứ chính trị, định hướng quan trọng để tạo đà phát triển giáo dục.

Theo Bộ trưởng, mỗi vùng đều có những vấn đề riêng và đặc thù, nên Hội nghị được chuẩn bị công phu.

Hội nghị tại khu vực Tây Nguyên có sự tham gia của hầu hết các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT với mục tiêu cùng nhau nhìn lại, đối chiếu giữa các tỉnh, chia sẻ, lắng nghe ý kiến từ những đơn vị cơ sở. Qua đó thống nhất một số quan điểm, từng bước đưa ra giải pháp, có thêm phần quyết tâm.

Theo báo cáo, năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Trong đó, giáo dục mầm non 734 cơ sở với 2.365 điểm trường, quy mô 330.802 trẻ em và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt tỉ lệ 100%; 2.116 cơ sở giáo dục phổ thông, với 1.221.784 học sinh, trong đó có 459.654 học sinh là dân tộc thiểu số (DTTS); 1.114 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 59 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 719 trung tâm học tập cộng đồng.

Đến năm 2022, trong vùng có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân viện của các trường đại; 4 trường cao đẳng sư phạm; 107 cơ sở giáo dục nghể nghiệp.

Tỉ lệ học học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học tại các tỉnh Tây Nguyên đều gia tăng. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,93%; tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp THCS đạt 90%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương đạt 68,3%.

Công tác xóa mù chữ cũng được các địa phương quan tâm ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, trong đó ưu tiên xóa mù chữ cho đồng bào DTTS.

Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 40% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 74,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người DTTS biết chữ độ tuổi 15 - 60 là 97,6%.

Ngoài phát triển về cơ sở giáo dục, các địa phương vùng Tây Nguyên tích cực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo.

Các đại biểu chủ trì hội nghị.

Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia của vùng là 42,23%; trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia là 59,14%; trường THCS đạt chuẩn quốc gia đạt 50,49%; trường THPT đạt chuẩn quốc đạt 35,58%. Toàn vùng có 43.684 phòng học các cấp Mầm non, phổ thổng công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 29.235 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 66,9%.

Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 82.066 giáo viên các cấp học Mầm non, phổ thông, thường xuyên. Ngành giáo dục và đào tạo các địa phương đã tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo của địa phương.

Bên cạnh việc được hưởng các chế độ, chính sách chung đối với nhà giáo, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được các cấp chính quyền có chính sách ưu tiên, động viên các thầy cô yên tâm công tác.

Hệ thống giáo dục PTDTNT phát triển

Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện quy hoạch mạnh lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực người DTTS. Về cơ bản, tại các huyện có từ 10.000 người DTTS trở lên đã có trường PTDTNT.

Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 59 trường PTDTNT và 68 trường phổ thông dân tộc bán trú. Trong đó, có 49 trường PTDTNT được công nhận đạt chuẩn quốc gia.Các trường PTDTNT, bán trú của vùng đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành.

Hệ thống trường PTDTNT và bán trú đã và đang làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục ở vùng Tây Nguyên.

Sự phát triển ổn định về quy mô, số lượng và chất lượng đã khẳng định được vai trò to lớn của hệ thống trường này trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục; góp phần củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS, miền núi ở vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các trường PTDTNT và bán trú còn tích cực tổ chức các nội dung giáo dục đặc thù nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh DTTS. Quan tâm việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh người DTTS. Tính đến năm học 2021 - 2022, toàn vùng Tây Nguyên có 112 trường, 844 lớp, với 15.924 học sinh; 126 giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, trong đó, có 111 giáo viên là người bản ngữ.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục được cải thiện qua từng năm học. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường PTDTNT đạt 99,7%; tốt nghiệp THPT của các trường PTDTNT đạt 98,7%. Chất lượng giáo dục các trường PTDTNT và trường phổ thông có học sinh bán trú có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%, học sinh bán trú cấp THCS hoàn thành cấp học đạt 92%.

Chia sẻ với những khó khăn trong phát triển giáo dục đào tọa vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận những vỗ lực của các hệ thống chính trị, các ngành, giáo dục Tây Nguyên đã gặt hái nhiều thành quả.

Tây Nguyên là vùng có nhiều khác biệt so với những vùng khác. Trên tinh thần cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong đó, Nghị quyết 120 của Quốc hội về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã thiết kế riêng dự án cho giáo dục với 4 tiểu dự án, mục tiêu cụ thể.  

Bên cạnh đó, việc đào tạo chuyên sâu trong đồng bào DTTS Tây Nguyên còn thấp so với các vùng khác. Vấn đề tạo điều kiện cho người DTTS được tham gia đào tạo tạo nguồn cán bộ rất quan trọng để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng vững chắc. Đa dạng hóa về mặt cơ cấu vì đối với giáo viên người DTTS vì vùng Tây Nguyên có nhiều thành phần dân tộc. 

Các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đào tạo giáo viên ngay tại chỗ để lấp đầy những nơi thiếu giáo viên. Đào tạo nghề phù hợp với từng DTTS ở từng địa phương, cán bộ tham gia hệ thống chính trị đảm bảo tỉ lệ phù hợp tỉ lệ dân số ở từng địa phương. Đó là nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục đào tạo các tỉnh Tây Nguyên.