Tiêu điểm thế giới

Hội nghị Mỹ-Triều lần 2: Khi ngoại giao cá nhân không tỏa sáng

Chuyên gia Hàn Quốc nhận định cả ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đều ưu tiên ngoại giao cá nhân và ít tin tưởng các quan chức riêng của họ, gồm cả các nhà ngoại giao, ở một mức độ nhất định. Do đó, hội nghị thượng đỉnh giữa họ không chỉ đơn thuần mang tính nghi thức mà thay vào đó đi vào thực chất hơn.

Có vẻ như Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục đàm phán mặc dù hội nghị thượng định Mỹ-Triều lần thứ 2 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Ở kịch bản khả quan nhất, có thể sẽ có một thỏa hiệp rằng dù không đảm bảo quá trình giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng song sẽ làm giảm rủi ro địa chính trị liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên. 

Trong mọi trường hợp thì có một thực tế là Mỹ và Triều Tiên đang thực hiện các cuộc hội đàm có ảnh hưởng tích cực đến tình hình khu vực và đáng được ca ngợi, giáo sư Andrei Lankov từ Đại học Kookmin tại Seoul, Hàn Quốc nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Quy trình làm việc dự kiến là hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra quyết định, sau đó các nhóm làm việc sẽ chính thức hóa những gì đã được thỏa thuận. Triều Tiên tích cực sử dụng phương pháp tiếp cận này, có thể với hi vọng rằng ông Trump sẽ đồng ý với các điều khoản mà các nhà đàm phán chuyên nghiệp của Mỹ coi là “không thể chấp nhận được” trong các cuộc đàm phán “một-một”. Nhưng nó đã phản tác dụng.

Các điều khoản do Triều Tiên đề xuất bao gồm loại bỏ hoàn toàn Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân tại Yongbyon. Đổi lại, Mỹ sẽ dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt hiện tại (ông Donald Trump nói điều này trong một cuộc họp báo) hoặc chỉ một số lệnh cấm vận đối với một số lĩnh vực nhất định, được áp dụng vào năm 2016, làm suy yếu hoạt động kinh tế dân sự của Triều Tiên, theo các tài liệu của Bình Nhưỡng công bố sau hội nghị thượng đỉnh.

Yongbyon không phải cơ sở duy nhất của Triều Tiên tham gia phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân. Quốc gia này hiện có ít nhất một trung tâm nữa với năng lực tương đương sản xuất uranium độ giàu cao. Ngoài ra, nhân viên Yongbyon không phát triển hoặc sản xuất các hệ thống tên lửa. Do đó, việc chấp nhận các điều khoản của Triều Tiên có nghĩa là Bình Nhưỡng vẫn giữ lại một phần đáng kể năng lực nghiên cứu và công nghiệp để chế tạo tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Hơn nữa, thỏa thuận được đề xuất không bao gồm các đầu đạn hạt nhân và vật liệu phân hạch hiện có. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Trump từ chối.

Nhiều khả năng, đề xuất trên vẫn còn để ngỏ. Bình Nhưỡng hầu như không mong đợi Mỹ đồng ý, mặc dù có khả năng họ vẫn có chút ít hy vọng trước sự khó lường nổi tiếng của Tổng thống Trump.

Phản ứng của Triều Tiên đóng vai trò là bằng chứng gián tiếp với thực tế rằng đề xuất của Bình Nhưỡng chỉ là cơ sở để thương lượng thêm. Các tài liệu được phát hành sau hội nghị thượng đỉnh chứa nhiều mục tham khảo về việc Triều Tiên sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình.

Mặc dù cả hai bên thừa nhận rằng hội nghị thượng đỉnh chưa đạt được kết quả như mong muốn và từ chối đưa ra tuyên bố chung, nhưng từ ngữ của các tài liệu được chuẩn bị bởi cả hai bên đều rất thân thiện và được cân nhắc kỹ lưỡng. Cả Washington và Bình Nhưỡng đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán, mặc dù ở cấp độ các nhóm làm việc, cũng như tự tin rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong tương lai gần.

Triều Tiên cần những cuộc đàm phán này vì chúng cho phép Bình Nhưỡng có thêm thời gian và giảm khả năng phe diều hâu Mỹ sẽ lại tác động tới chính sách của Washington về Triều Tiên, khiến Mỹ có thể quay lại đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực. Triều Tiên có thể đồng ý với thỏa thuận quy định giảm năng lực hạt nhân nhất định để đổi lấy những nhượng bộ chính trị và kinh tế đáng kể từ phía Mỹ, Hàn Quốc và các bên liên quan khác.

Ông Donald Trump coi vấn đề Triều Tiên là quan trọng trong bối cảnh chính trị trong nước. Kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Singapore, Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông đã khẳng định rằng ông đã giải quyết được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, một thành tựu mà những người tiền nhiệm chưa ai làm được. Chưa đánh giá được ông Trump có thực sự thành công hay không, tuy nhiên, trên đường đua Triều Tiên, ông chắc chắn đã được củng cố danh tiếng. Ông được biết đến với vai trò của một người hòa giải và nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ trong nước.

Điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, bất chấp những gì đã diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 vừa qua.

Theo Mỹ, mục đích chính thức của các cuộc đàm phán là nhằm đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn từ phía Triều Tiên và có thể kiểm chứng được. Nhiệm vụ này là phi thực tế vì không có lợi ích kinh tế nào, cũng không có áp lực chính trị và thậm chí là quân sự nào có thể sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Giới tinh hoa Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân là sự bảo đảm đáng tin cậy duy nhất cho an ninh của nhà nước và chính quyền của họ.

Tuy nhiên, ở kịch bản khả quan nhất, có thể sẽ có một thỏa hiệp rằng dù không đảm bảo quá trình giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng song sẽ làm giảm rủi ro địa chính trị liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong mọi trường hợp, thực tế là Mỹ và Triều Tiên tiến hành hội đàm đang có ảnh hưởng tích cực đến tình hình khu vực và cần được hoan nghênh.

Xem thêm: Lý do thực sự khiến TT Trump rời khỏi hội nghị Mỹ-Triều không có thỏa thuận?