Góc nhìn luật gia

Hội Luật gia Hà Tĩnh tư vấn pháp luật về phòng, chống mua bán người

Tình trạng mua bán người trong đó nạn nhân là phụ nữ, trẻ em đang là vấn đề nhức nhối, gây nên nhiều hệ lụy.

Sáng 14/12, hội Luật gia Hà Tĩnh đã tổ chức buổi tọa đàm, chia sẻ kiến thức và kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người cho các tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật, trợ giúp viên pháp lý.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Trần Tiến Dũng, Ủy viên BCH hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch hội Luật gia Hà Tĩnh; các đồng chí lãnh đạo thường trực hội và các đơn vị đoàn thể...

Báo động tình trạng mua bán người

Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Đức Thủy, Phó chủ tịch hội Luật gia Hà Tĩnh chia sẻ, theo số liệu thống kê, tội phạm mua bán người xảy ra trên 63 tỉnh, thành phố cả nước. Hơn 90% nạn nhân bị bán ra nước ngoài, 10% nội địa trong đó có đến 80% phụ nữ và trẻ em. Trung bình mỗi năm trên toàn quốc xảy ra 400 vụ, với 600 đối tượng, lừa bán khoảng 1.000 nạn nhân.

Ông Ngô Đức Thủy, Phó chủ tịch hội Luật gia Hà Tĩnh chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Phương thức thủ đoạn của bọn mua bán người đa số lợi dụng sơ hở pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, gom mua trẻ sơ sinh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa, tìm cách chuyển ra nước ngoài bán (đến nay, đã xử lý 04 vụ tại tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định, Lâm Đồng).

Từ năm 2010 đến nay, riêng địa bàn tỉnh Hà Giang phát hiện hơn 90 vụ, chiếm đoạt hơn 100 nạn nhân. Hay tại trung tâm Bảo trợ xã hội 02 huyện thuộc Nam Định gom 253 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, rồi lập hồ sơ giả chuyển cho người nước ngoài làm con nuôi, có dấu hiệu buôn bán trẻ em. Tại Đà Nẵng có trên 200 trẻ em cho người nước ngoài làm con nuôi, nghi có dấu hiệu mua bán trẻ em.

Tại Cần Thơ đã phát hiện và xử lý đối tượng Lee Chung Cheun (quốc tịch Hàn Quốc), cùng 13 đối tượng người Hàn Quốc và một số đối tượng "cò mồi" người Việt Nam tổ chức 03 đợt xem mặt 130 phụ nữ Việt Nam. Năm 2011, bắt Võ Đình Văn (28 tuổi, trú ở TP.HCM) cùng 09 đối tượng lừa đưa 75 thanh niên tại các tỉnh miền Tây sang Trung Quốc bán thận, với giá từ 40- 50 triệu/đồng quả thận.

10 bé trai bị bắt cóc bán sang Trung Quốc đã được trao trả về Việt Nam tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái vào năm 2013.

Năm 2014, có hơn 253 người bán thận tại bệnh viện TƯ Huế, liên quan đến nhiều đối tượng, do 2 chị em Yến và Hà quê ở Nam Định cầm đầu.

Riêng Công an TP.HCM đã phát hiện và ngăn chặn 38 vụ môi giới hôn nhân trái phép với người nước, với 866 phụ nữ; xử lý 200 đối tượng "cò mồi", môi giới (96 người Việt Nam, 104 người nước ngoài).

Ngoài ra, xuất hiện đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng, hầu hết bán cho các bệnh viện tư. Đa số các trường hợp sau khi đã bán sức khỏe suy giảm, thậm chí bị tử vong.

Thủ đoạn của bọn chúng thường sử dụng là lợi dụng sơ hở về pháp luật; chính sách mở cửa để tiếp xúc, làm quen, thậm chí “yêu nhau” với nạn nhân để tạo niềm tin; hứa hẹn có thu nhập cao để lừa gạt các nạn nhân “dính bẫy” rồi đưa ra nước ngoài bán.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, tình trạng mua bán người lại càng nhức nhối, khó kiểm soát hơn. Nhiều đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Hàn Quốc, Đài Loan… cấu kết với đối tượng người Việt Nam dẫn dắt hình thành nhiều đường dây, tìm kiếm, móc nối, dụ dỗ để đưa phụ nữ vào các tụ điểm, “lò” nuôi gái. Sau đó, tạo dựng nhiều vụ xem mặt, chọn vợ tập thể có quy mô lớn tại các nhà hàng, khách sạn….

Giúp nạn nhận thức hành vi phạm tội

Theo báo cáo của cục Trợ giúp pháp lý, trong giai đoạn 2015-2018, khoảng 200 nạn nhân đã được trợ giúp pháp lý, trong đó 81 người được đại diện tham gia tố tụng hình sự. Như vậy, chỉ có 5.5% số nạn nhân được trợ giúp pháp lý và 2.2% nạn nhân được đại diện tham gia tố tụng hình sự. Các nạn nhân hầu hết đều đang gặp khó khăn trong việc tố cáo hành vi phạm tội với cơ quan pháp luật, đặc biệt trong nhận thức hành vi phạm tội của các đối tượng mua bán người.

Tháng 1/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Quý Thiết (SN 1987), trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh về tội Mua bán bộ phận cơ thể người. 

Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng siết chặt, bắt giữ nhiều vụ án, góp phần giúp tình trạng mua bán người trên cả nước giảm. Tuy nhiên, tâm lý mặc cảm, mất giấy tờ tùy thân dẫn đến việc xác minh, xác định các nạn nhân gặp nhiều khó khăn khiến tỷ lệ nạn nhân đòi được công lý sau khi được giải cứu còn thấp. 

Theo ông Phan Hương, Phó chủ tịch hội Luật gia TP.Hà Tĩnh, nạn nhân bị lừa bán để được nhận hỗ trợ, trợ giúp pháp lý phải đáp ứng nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính đó chính là khó khăn lớn nhất trong công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý. Lý do khách quan là do các nạn nhân mất hết giấy tờ tùy thân, di chuyển từ nơi ở tới các cơ quan hành chính khó khăn. Mặt khác, tâm lý các nạn nhân sợ bị tái sang chấn, sợ bị kỳ thị, lo lắng thông tin không được bảo mật khiến cho nhiều nạn nhân không muốn hoặc không thể được hỗ trợ hoặc được xác định là nạn nhân.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Chính vì thế, buổi tọa đàm, chia sẻ kiến thức và kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực phòng chống mua bán người của hội Luật gia Hà Tĩnh cho các tư vấn viên, tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật, trợ giúp viên pháp lý góp phần nâng cao hiểu biết của cán bộ cơ sở về hành vi mua bán người, các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm, kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực phòng chống mua bán người từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý cho nạn nhân.

Trước đó, hội Luật gia Việt Nam cũng đã phối hợp với hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tổ chức 3 cuộc tập huấn về kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực phòng chống mua bán người tại Quảng Ninh, Quảng Bình và TP.Hồ Chí Minh cho hơn 120 tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật, trợ giúp viên pháp lý và hội viên hội Luật gia của 35 tỉnh, thành phố.