Sự kiện

Hồi âm của Bệnh viện Việt Đức về loạt điều tra "cò máu" và những nghi vấn bỏ lửng

Giám đốc bệnh viện Việt Đức, GS.TS Trần Bình Giang có công văn trả lời về những thông tin đăng tải trên báo chí về hiện tượng “cò máu” tại bệnh viện. Tuy nhiên, những câu trả lời từ phía bệnh viện khiến chúng tôi đặt nhiều dấu hỏi.

Bệnh viện khẳng định người nhà không hiến máu bệnh nhân vẫn được mổ

Ngày 23/10 lãnh đạo bệnh viện Việt Đức, GS.TS Trần Bình Giang cũng đã có công văn phúc đáp lại công văn của cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế về việc “Xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến hiện tượng cò máu”. Công văn này cũng đã được đăng tải trên trang chủ của bệnh viện Việt Đức.

Bệnh viện Việt Đức phúc đáp công văn của bộ Y tế về hiện tượng “cò máu”.

 

Theo đó, công văn có nêu với đặc thù là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối của cả nước, năm 2017, số lượng ca mổ lên tới trên 65.000 ca, bệnh viện Việt Đức luôn cần lượng máu rất lớn để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Vì thế, tại bệnh viện Việt Đức có riêng một Trung tâm truyền máu hiện đại, có thể thực hiện đồng thời các nhiệm vụ lấy, chiết tách các thành phần máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp máu, các chế phẩm máu…

Nguồn máu của bệnh viện đến từ 3 nguồn chính: Tiếp nhận máu từ những người hiến máu trong cộng đồng, tiếp nhận máu từ Viện huyết học truyền máu Trung ương và tiếp nhận máu tại điểm hiến máu cố định trong bệnh viện bao gồm từ cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và từ người nhà bệnh nhân.

Hàng ngày, bệnh viện mổ trung bình 150 ca mổ phiên, trên 30 ca mổ cấp cứu, hầu hết cần truyền máu. Khi lượng máu dự trữ cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị, Trung tâm truyền máu của bệnh viện đã vận động người thân của người bệnh cùng nhân viên y tế tham gia hiến máu tình nguyện. Đây là một nghĩa cử cao đẹp giúp cứu sống người bệnh, nhiều người nhà người bệnh sẵn sàng hiến máu. Thậm chí, huy động người nhà hiến vượt số lượng theo yêu cầu truyền cho người nhà mình với một suy nghĩ đơn giản tại sao những người không quen biết trong xã hội còn tình nguyện hiến máu cứu người mà mình lại không thể hiến cho ngay người nhà mình?

Trong công văn, bệnh viện Việt Đức khẳng định với bộ Y tế: “Tại bệnh viện, không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện; Bệnh viện không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật. Không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp "cò máu", tất cả trường hợp "cò máu" khi bệnh viện phát hiện được đều đã tiến hành giao cho cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.

Một phần nội dung công văn của bệnh viện Việt Đức nêu.

Người nhà bệnh nhân, nếu cho máu chỉ trong trường hợp cần nhóm máu hiếm đòi hỏi phải cùng huyết thống hoặc người nhà tình nguyện hiến máu khi nguồn cung không đủ”.

Bên cạnh đó, GS.TS Trần Bình Giang cũng thông tin thêm, vào sáng thứ 6 hàng tuần, các bác sĩ sẽ thông qua lịch mổ, sau đó các khoa công khai lịch mổ cùng thông tin dự trù bao nhiêu máu cho bệnh nhân mổ ở bảng treo tại văn phòng khoa. Các đối tượng “cò” giả người nhà bệnh nhân, đi lại ở các khoa, để tiếp cận với người nhà bệnh nhân, nên nắm chắc lịch mổ cũng như quy trình của từng khoa, phòng.

Và để giải quyết nạn “cò máu”, bệnh viện Việt Đức cũng đã đưa ra các giải pháp như: Ngăn không cho "cò máu” tiếp cận người nhà người bệnh, vận động người nhà người bệnh không tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài để tránh bị lợi dụng; giảm thiểu các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nhà người bệnh khi làm thủ tục dự trù và lĩnh máu; nhân viên y tế chủ động phát hiện và loại bỏ các đối tượng giả thân nhân người bệnh để hiến máu; đặt các tờ rơi để cảnh báo cho người nhà người bệnh về tình trạng lừa đảo của "cò máu".

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tiếp nhận máu lưu động để tăng lượng máu tiếp nhận từ cộng đồng, nhằm đáp ứng ngày một nhiều nhu cầu máu cho điều trị.

Băn khoăn từ câu trả lời của bệnh viện Việt Đức

Trước đó, vào những ngày tháng 10, nhóm PV báo điện tử Người Đưa Tin đã thâm nhập, điều tra tiếp cận được rất nhiều “cò máu" tại cổng bệnh viện Việt Đức và giật mình phát hiện ra quy trình khép kín trong giao dịch mua-bán công khai này. Trong quá trình thâm nhập, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện của những người thân đang có bệnh nhân chờ mổ tại khu vực hiến máu của bệnh viện. Người thân bệnh nhân thông tin, khi bác sĩ yêu cầu bao nhiêu đơn vị máu thì người nhà sẽ phải xuống khu hiến máu của bệnh viện hiến máu vào đó và khi đó, người bệnh mới được mổ. Yêu cầu này là điều kiện cần khiến cho "cò máu" lộng hành ngang nhiên tại bệnh viện bởi một lẽ đơn giản "có cung ắt có cầu". Nếu như bệnh nhân nào không có nhiều người nhà tại Hà Nội thì buộc lòng họ phải tìm đến những "cò máu" để mua máu với giá "trên trời". 

Nhưng, trong công văn mà lãnh đạo bệnh viện Việt Đức trả lời lại khẳng định tại bệnh viện không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện; Bệnh viện không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật.

Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu của nhóm PV báo Người Đưa Tin, để người bệnh được mổ thì người thân phải cầm phiếu lĩnh máu có ghi cần bao nhiêu đơn vị máu, người nhà bệnh nhân phải cung cấp đủ máu thì bệnh nhân mới được mổ. Người thân hiến không cần đúng nhóm máu mà bệnh nhân cần, chỉ cần người nhà cho đủ máu, có giấy xác nhận dưới khu vực hiến máu là được.

Nếu như theo công văn nêu, người nhà không cần hiến thì bệnh nhân vẫn được mổ. Vậy, vì sao bệnh viện đề ra nguyên tắc phải có phiếu lĩnh máu có xác nhận của bác sĩ đã nhận đủ đơn vị máu, mang lên phòng mổ thì bệnh nhân mới được mổ? Điều này có phải đang làm khó bệnh nhân?

Cầm phiếu lĩnh máu là người nhà có thể vào hiến máu.

Giấy dự trù máu để người nhà hiến máu bổ sung.

Được biết, hàng ngày bệnh viện mổ trung bình 150 ca mổ phiên, trên 30 ca mổ cấp cứu và hầu hết cần truyền máu. Khi máu dự trữ cạn kiệt, không thể đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, nên bệnh viện đã vận động người thân của bệnh nhân và nhân viên y tế tham gia hiến máu. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định cung cấp đủ máu, hàng ngày hay cách một hai ngày phía viện vẫn vận chuyển máu đến nơi nào bệnh viện cần máu. Điều này khiến dư luận đặt thêm một câu hỏi tại sao phía bệnh viện không sử dụng nguồn máu sẵn có tại viện Huyết học, sau đó bổ sung sau bằng hình thức kêu gọi hiến máu?

"Cò máu" ngang nhiên lộng hành trước cổng bệnh viện Việt Đức.

Cuối cùng, công văn từ phía bệnh viện Việt Đức cũng khẳng định không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp "cò máu”. Nhưng, dư luận vẫn đặt ra dấu hỏi liệu có hay không sự "bắt tay ngầm" giữa bác sĩ và "cò máu"?

Nhóm PV điều tra