Học thuộc lòng là cấp độ thấp nhất của nhận thức

Học sinh giỏi không chỉ là ngoan ngoãn ôm sách giáo khoa, ghi chép đầy đủ bài, học thuộc và trả bài vanh vách nữa...

Gần đây, báo điện tử Người Đưa Tin có đăng bài viết Mừng hụt, trong đó có đoạn “Các cháu nhỏ nhớ được khối kiến thức bó gọn trong sách giáo khoa, không tả gà mái giống gà trống, kể “nhà em có nuôi một ông nội” đã là đáng mừng”.

Dưới góc độ của một nhà giáo tôi lại có những quan điểm khác:

Thứ nhất, việc dạy học bám sát sách giáo khoa là yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, coi đó là chuẩn.

Có thể thấy, ví dụ điển hình nhất cho việc học trong sách giáo khoa đó là nhiều em học sinh có thể đọc vanh vách một văn bản, nhưng cho một văn bản khác lại không thể đọc được, cái đó người ta gọi là học vẹt.

Thứ hai, điều mà tôi muốn nhấn mạnh hơn đó chính là thầy cô làm sao hướng dẫn các em học sinh cách học, chứ không phải là học vẹt, học thuộc lòng. Cách học này sẽ nhẹ nhàng hơn, bớt được gánh nặng kiến thức và bớt khuôn mẫu hơn.

Hình mẫu học sinh giỏi đã thay đổi (ảnh minh họa).

Với nhiều bậc phụ huynh, họ chỉ cần con học thuộc bài, đi thi đạt điểm cao là xong. Thế nhưng, họ không hiểu được rằng học thuộc lòng là cấp độ thấp nhất của nhận thức.

Còn điều quan trọng là vận dụng vào các tình huống thực tiễn, thế nên mới có câu chuyện nhiều học sinh trong đó có cả thủ khoa vẫn còn bỡ ngỡ khi bước từ trang sách ra thực tế, như câu chuyện của nữ thủ khoa sư phạm nhưng lại ở nhà chăn lợn...

Nói cách khác, dạy học không chỉ để biết mà phải biết làm gì từ những điều đã biết. Làm ở đây phải gắn với ý thức và thái độ, phải có kiến thức và kĩ năng, chứ không phải làm một cách “máy móc, mù quáng”.

Bạn không cần phải học tất cả, biết tất cả nhưng bạn phải làm được tất cả.

Theo định hướng mới, tôi nhận thấy hình mẫu lý tưởng của một học sinh giỏi đã thay đổi. Học sinh giỏi không chỉ là ngoan ngoãn ôm sách giáo khoa, ghi chép đầy đủ bài, học thuộc và trả bài vanh vách nữa.

Học sinh giỏi trong thời đại mới phải là người am hiểu năng lực xã hội như có khả năng trình bày thuyết phục, khả năng lãnh đạo một nhóm, quản lý được thời gian, đặt ra được mục tiêu và giải quyết vấn đề. Học sinh giỏi trong thời đại mới phải có năng lực chuyên môn như tư duy toán học, cảm thụ thẩm mỹ...

Tuy nhiên, dù là học sinh giỏi ở thời nào thì cũng cần phải học đủ các kỹ năng cần thiết từ trình độ học vấn cho đến cách đối nhân xử thế. Điều này, không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi cả một quá trình rèn luyện...

Trịnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả