Giáo dục

Học sinh hứng thú với lớp học không tường trải nghiệm xe đạp công cộng

Lớp học không tường, mở rộng không gian ngoài lớp học, đưa học sinh đến hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, bên cạnh trao truyền kiến thức còn bồi dưỡng kỹ năng sống.

Ngày 6/4, Sở Giao thông Vận tải Tp.Đà Nẵng kết hợp Trường TH-THCS- THPT Sky-Line tổ chức chương trình lớp học không tường trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng Tp.Đà Nẵng. Chương trình có khoảng 100 em học sinh tham gia.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Tp.Đà Nẵng, địa phương này vừa đưa vào thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nhằm giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.

Dự án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại Tp.Đà Nẵng hiện có 61 trạm với khoảng 600 chiếc xe, phân bổ tại 5 quận trên địa bàn. Theo đó, quận Hải Châu có 32 trạm, quận Thanh Khê 5 trạm, quận Sơn Trà 16 trạm, quận Ngũ Hành Sơn 5 trạm và quận Cẩm Lệ 3 trạm. Gía thuê xe mỗi lượt 5 nghìn đồng 30 phút và 50 nghìn đồng một ngày cho mỗi chuyến đi không quá 7,5 giờ, tính từ lúc mở khóa xe cho tới lúc khóa xe lần cuối cùng.

Vị trí các trạm xe đạp được ưu tiên bố trí gần các trạm xe bus để kết nối hệ thống vận tải công cộng, bảo đảm an toàn giao thông và cảnh quan đô thị, tăng tính thuận tiện cho người dân và du khách. Để thuê xe, người dùng cài đặt ứng dụng TNGo, đăng ký bằng số điện thoại. Qua ứng dụng, người dùng có thể tìm xe thông qua bản đồ số và quét mã QR để mở khóa. Đặc biệt, người dùng có thể thuê và trả xe ở trạm bất kỳ sau khi sử dụng. Trong quá trình thuê, người dùng có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu. Việc hoàn tất lượt thuê xe được tính khi người dùng trả xe tại trạm bất kỳ. Chi phí thuê xe được thanh toán qua các ứng dụng ví điện tử như Momo, Zalo Pay, Viettel Pay, VTC Pay.

Học sinh thực hiện quét mã để thuê xe, điều khiển qua các nút giao thông Bạch Đằng – Bình Minh 6, Bình Minh 4 rồi tập trung về công viên Apec thực hiện chương trình tiết ngữ văn.

Em Đặng Châu Anh cho hay, chương trình lớp học không tường, tức học ở môi trường bên ngoài trường học, giúp chúng em cảm thấy thoải mái, vui vẻ và năng động hơn. Chẳng hạn, như hôm nay, khi tham gia thử nghiệm đạp xe công cộng, lại dừng ở công viên Apec tham gia học môn ngữ văn với nội dung liên quan đến giao thông xanh khiến em thích thú. Em nhận thấy, chương trình học bên ngoài không chỉ em mà các bạn cũng hào hứng hơn.

Trong khi đó, em Trần Thảo Nhi, học sinh lớp 10 chia sẻ: “Việc học trong lớp học là chuyện quá bình thường. Trong khi đó, hôm nay, chúng em rất hào hứng khi tham gia chương trình lớp học không tường trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng Tp.Đà Nẵng. Khi tự đạp xe trên một trong những tuyến đường đẹp nhất Tp.Đà Nẵng, em cảm giác như thành phố mình đang sống đẹp hơn thường ngày rất nhiều”.

Cùng ý kiến, học sinh Lê Hữu Nhựt: “Trước đây, em từng tham gia nhiều tiết học không tường như ở làng Gốm Thanh Hà, làng rau Túy Loan, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm, bảo tàng Đồng Đình… Mỗi nơi đến, thầy cô giáo luôn đưa ra những vấn đề gắn liền nơi đó để tạo ra những bài học. Lúc nào cũng vậy, tiết học không tường luôn khiến cho chúng em hào hứng với môi trường thực tiễn, gắn liền với kiến thức trong sách giáo khoa, giúp chúng em có thêm kỹ năng sống”.

Giáo viên Bùi Thanh Phát chia sẻ: “Lớp học không tường là mở rộng không gian ngoài lớp học, đưa học sinh đến với các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Lớp học như thế này không chỉ là nơi trao truyền kiến thức, mà còn đóng vai trò bồi dưỡng kỹ năng sống, giúp học sinh thêm bản lĩnh, tự tin khi bước vào đời. Việc cho học sinh tham gia các lớp học không tường luôn tạo sự hứng thú cho học sinh. Lợi ích của các lớp học kiểu này là tạo không gian học tập mới, tạo sự hứng thú, năng động, tâm lý thoải mái, đa dạng cho học sinh. Đồng thời, các em sẽ được trả nghiệm môi trường thiên nhiên, thực tế từ đó rút ra những bài học cho riêng mình cũng như cộng đồng. Đây là một cách dạy sáng tạo, trải nghiệm, lấy học sinh làm trung tâm”.