Giáo dục

Mùa "vượt vũ môn" vào lớp 10 Hà Nội: Trượt công lập và bài toán "ai cũng được học hành"

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều người đánh giá là căng thẳng không kém gì thi đại học. Tp.Hà Nội có khoảng 33.000 học sinh “không có suất” vào công lập.

Chấp nhận đi xa 80km để được học lớp 10 trường công ở Hà Nội

Kỳ tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm nay nhiều học sinh điểm thi khá cao vẫn phải ngậm ngùi khi không tìm được suất vào trường công, trong đó không ít thí sinh 7,5 điểm/môn nhưng vẫn trượt tất cả các nguyện vọng ở đợt xét tuyển đầu tiên.

Trao đổi với Vietnamnet, gia đình chị T.H.H ở quận Hai Bà Trưng đau đầu vì không thể tìm chỗ học cho con.

“Với 37 điểm, con tôi trượt hết cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 ở đợt xét tuyển đầu tiên. Chúng tôi chờ đến đợt Hà Nội công bố điểm trúng tuyển bổ sung. Nhưng trớ trêu với 37 điểm, con cũng không đỗ vào trường nào trong khu vực tuyển sinh”, chị H. cho hay.

Khi biết trường THPT Bắc Lương Sơn, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất được phép tuyển sinh toàn thành phố với mức chưa đến 5 điểm/môn, chị H. quyết định đăng ký cho con trai học. Trường xa nhà nhưng con được học trường công, vợ chồng chị H. cũng đỡ áp lực về học phí.

“Từ nhà tôi đến trường THPT Bắc Lương Sơn 46km nên tôi quyết định cho con ở trọ. Cũng may khu vực ngoại thành nên chi phí thuê nhà và ăn uống không quá đắt đỏ, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mức phí này vẫn đỡ hơn so với việc con học trường tư trong nội thành.

Gia đình tôi cũng động viên con, trong hoàn cảnh này không có lựa chọn nào khác nên đành chấp nhận”, chị H. cho hay.

Cũng giống Trường THPT Bắc Lương Sơn, năm nay, Trường THPT Minh Quang (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) cũng được phép tuyển sinh toàn thành phố.

Trường được thành lập năm 2014 với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trên diện tích đất gần 2ha, cách trung tâm thành phố 70-80km nhưng năm nào cũng lâm vào tình cảnh thiếu học sinh dù điểm chuẩn rất thấp. Theo đó, chỉ 17 điểm, thí sinh đã có thể trúng tuyển vào lớp 10.

Tương tự, cũng trong cảnh con trượt hết các nguyện vọng vào lớp 10 công lập ở đợt xét tuyển lần 1, trường tư cũng không đủ điểm để vào, gia đình anh N.V.L ở quận Long Biên chấp nhận cho con đi học ở một trường công lập cách nhà 80km.

“Con tôi được 7,4 điểm/môn cũng vẫn trượt hết các vào trường công. Ngay cả xét tuyển đợt 2, có trường hạ điểm chuẩn nhưng cũng con cũng không trúng tuyển trường nào. Con gái khóc lóc xin đi học tiếp, cực chẳng đã tôi đành nộp hồ sơ cho con học tại Trường THPT Minh Quang cách nhà 80km.

Cũng may, đây là trường công lập nên với mức thu nhập của công nhân như vợ chồng tôi cũng không quá áp lực. Nhiều khi nghĩ không lẽ chúng tôi phải chuyển nhà về Ba vì hay các huyện ngoại thành cho con cái thi cử, học hành đỡ khổ”, nam phụ huynh chia sẻ.

Tỉ lệ chọi thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội khá cao. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Mức học phí trường công lập và tư thục chênh lệch như thế nào?

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều người đánh giá là căng thẳng không kém gì thi đại học, thậm chí còn hơn thế. Theo thống kê, Tp.Hà Nội có khoảng 33.000 học sinh “không có suất” vào lớp 10 công lập; Tp.Hồ Chí Minh khoảng 40.000. Đối với nhiều thí sinh, đây là cuộc thi “sống còn” và việc vào trường công là một áp lực khủng khiếp. Cha mẹ lo lắng nếu con không đỗ sẽ không có được môi trường học tập tốt, sợ thua kém bạn bè.

Theo VTV, gần 70 trường tư thục và THPT công lập tự chủ ở Hà Nội đã công khai mức học phí đối với lớp 10, năm học 2023-2024. Trong đó, mức học phí thấp nhất là 7 triệu đồng/năm.

Đây là mức học phí phổ biến theo chương trình giáo dục cơ bản, theo quy định của Bộ GD&ĐT. Khoảng 20 trường có mức học phí từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Đây là các trường có chương trình đào tạo song bằng.

Có 15 trường phổ thông công bố chương trình tú tài quốc tế với mức học phí dao động từ 200 đến gần 400 triệu đồng cho năm học lớp 10.

Năm nay, Hà Nội có gần 130.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở thi vào lớp 10. Trong đó, chỉ tiêu hệ công lập chiếm khoảng hơn 55%, còn lại các thí sinh sẽ dự tuyển vào các trường hệ tư thục, học nghề, du học…

Trong khi đó mức học phí công lập thấp hơn rất nhiều. Thông tin trên báo Tiền Phong, mức học phí năm học 2023-2024 đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng cho khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/tháng và khu vực miền núi là 50.000 đồng/tháng. Trong trường hợp phải học online, học phí sẽ được áp dụng bằng 75% mức quy định. 

Thu nhập bình quân đầu người ở mức dưới 8 triệu, liệu có "gánh" được học phí khi con học trường tư thục?

Thông tin trên VOV, tình hình lao động, việc làm quý I/2023 phục hồi tích cực, lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng là 7,9 triệu đồng, tăng 578.000 đồng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình lao động, việc làm quý I/2023 phục hồi tích cực; Tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong quý 1 ước tính là 52,2 triệu người, tăng 88.700 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ước đạt 68,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 7,9 triệu đồng, tăng 578.000 đồng.

Trao đổi với Vietnamnet, anh Tuấn có con thi vào 10 đã tham khảo học phí của Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa vượt quá khả năng tài chính của gia đình anh và Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu còn cao hơn thế.

“Vợ chồng tôi đau đầu tìm trường tư vừa phù hợp tiêu chí của gia đình vừa phải thuận tiện đường đi. Quan trọng hơn, học phí phải “dễ thở” vì vậy đây là một bài Toán quá khó.

Đúng là trường tư có cơ sở vật chất tốt nhưng đổi lại học phí và nhiều khoản phí phát sinh khác rất cao. Đa số trường tư hiện nay cũng 7-10 triệu/tháng, với thu nhập bình thường không có khả năng cho con theo học, gia đình tôi là một ví dụ. Bên cạnh đó, nếu chọn trường tư quá xa, con đi học khó khăn, đi xe tuyến của trường lại phát sinh thêm một khoản nữa", anh Tuấn tâm sự.

Trong khi đó, chị Bùi Thanh Loan ở Cầu Giấy cũng có con thi vào lớp 10 cảm thấy thương cho những đứa trẻ “phải gánh trên vai nhiều kỳ vọng” nhưng lại không đạt kết quả như mong muốn.

“Những đứa trẻ ấy quả thực rất tội. Còn phụ huynh ngay sau khi biết điểm chuẩn lại tiếp tục bắt đầu cuộc chiến mới: chạy đôn chạy đáo ở cổng trường tư”, chị Loan cho biết.

Trên chặng đường đồng hành cùng con, chị Loan nhận thấy với không ít gia đình, con cái vất vả 4 phần, cha mẹ phải chật vật tới 6 phần để con có một chỗ học.

“Từ mấy tháng trước, nhiều gia đình đã đăng ký vào các trường tư để đề phòng nếu con trượt trường công lập, mỗi trường mất tới 5 – 6 triệu đồng. Đến khi thi xong lớp 10, con không may mắn đỗ, phụ huynh lại tiếp tục “chạy đua” đóng tiền để được nhập học trường tư. Đôi khi, chỉ cần chậm chân cũng “hết suất”, vì mỗi trường chỉ lấy khoảng 200 – 300 chỉ tiêu”.

Vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương có bài viết đăng tải trên Vietnamnet: Chiều 5/7, tại phiên chất vấn của HĐND Tp.Hà Nội, Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, lại khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học! Theo ông Cương: “Một số trường uy tín, được phụ huynh tin tưởng nên bằng mọi giá gửi con em mình vào học, vì vậy họ xếp hàng từ sáng sớm với mong muốn con có suất vào trường”.

Hẳn là không thiếu trường nếu một cháu sống tại quận Hoàn Kiếm có thể hàng ngày đi hàng chục km tới một ngôi trường ở Ba Vì để học lớp 10. Hẳn là không thiếu trường nếu bố mẹ nào cũng có thể chi hàng chục, hàng trăm triệu mỗi năm để cho con vào trường tư thục.

Nếu không thiếu trường là như thế, con một người bốc vác tại các chợ Hà Nội phải làm sao?

Biết bao gia đình công nhân tại Thủ đô có những bữa cơm “dưới cả đạm bạc”. Nhiều nghịch cảnh và những chuyện kiếp nghèo không khó tìm ở quanh ta. Thấm thía cái nghèo khổ đó, họ mong con em mình có cái chữ sau này kiếm cơm không quá vất vả như ba mẹ, anh chị. Với họ, con theo học công lập mới có thể gom đủ tiền học phí và vì vậy họ vây kín cánh cửa trường công bất chấp đêm hè nóng nực.

Cuộc sống thiên hình vạn trạng, sự giàu nghèo luôn tạo phân hóa, gây tương phản, ở đâu cũng khó tránh khỏi. Nhưng chăm lo cho nhóm người yếu thế là lẽ sống, trách nhiệm, hạnh phúc của những người mang trọng trách “công bộc của dân”. Bằng những quyết sách mạnh mẽ, thấu lý, đạt tình nói chung và nói riêng với giáo dục để như Bác Hồ từng nói "ai cũng được học hành".

Hà Nội nhiều năm qua phát triển, xây thêm lớp, trường công có tốc độ nhỏ hơn, trong bối cảnh dân số tăng nhanh, trường, lớp công chưa đáp ứng nhu cầu học hành là tất yếu! Hà Nội mạnh giáo dục phổ thông ngoài công lập, tuy nhiên với mức học phí từ cao đến rất cao, cũng chỉ giải quyết được cho “công dân hạng một”...

Theo số liệu trên báo Đầu Tư, căn cứ dữ liệu về học sinh phổ thông trên Cơ sở dữ liệu Ngành, dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng khoảng 28.912 học sinh tương đương khoảng 722 lớp, cụ thể:

Năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh, tăng khoảng 5.732 học sinh so với năm học 2023-2024.

Năm học 2025-2026 dự kiến có khoảng 129.890 học sinh, tăng khoảng 680 học sinh so với năm học 2023-2024.

Năm học 2026-2027 dự kiến có khoảng 151.710 học sinh, tăng khoảng 22.500 học sinh so với năm học 2023-2024.

Về quy mô các trường trung học phổ thông công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và trường THPT công lập hiệp quản):

Đến năm học 2024-2025, dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023-2024).

Đến năm học 2025-2026, có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023-2024).

Đến năm học 2026-2027, có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023-2024).

Trúc Chi (t/h)