Cộng đồng mạng

"Hoàng tử say rượu" 700 tuổi chốt giá 950 tỷ đồng

"Hoàng tử say rượu" đã nằm trong kho tàng lưu trữ cổ vật của nhiều đời hoàng đế Trung Quốc.

Mới đây, bức họa khoảng 700 năm tuổi, vẽ từ thời nhà Nguyên của Trung Quốc đã được bán đấu giá tại Hong Kong và thu về hơn 41 triệu USD.

Bức họa có tên "Hoàng tử say rượu" được vẽ bởi Nhậm Nhân Phát - nghệ nhân và còn là một vị quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

 

Bức cổ tranh có chiều dài khoảng 2m khắc họa cảnh 5 hoàng tử say rượu trở về hoàng cung trong trạng thái vô cùng vui vẻ phấn khích cùng 4 người hầu.

Một trong số đó là hoàng tử Lý Long Cơ, sau này trở thành hoàng đế Đường Minh Hoàng - người trị vì lâu nhất trong lịch sử nhà Đường.

Năm 1922, bước họa được Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, cho chuyển khỏi Tử Cấm Thành sau khi nhà Thanh sụp đổ. Giá trị ban đầu của bức họa được ước tính khoảng 10-15,5 triệu USD.

Phần lớn trong số 21 bức họa mà Nhậm Nhân Phát để lại đang được giữ bởi các viện bảo tàng hoặc các bộ sưu tập tư nhân.

Cổ vật Trung Quốc là cụm từ các nhà sưu tầm đồ cổ phải xốn xang mỗi khi nhắc đến. Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc vẫn luôn nỗ lực tìm lại những món cổ vật bị thất lạc.

Năm 2017, một nhà sưu tầm đồ cổ giấu tên đã mua chiếc đĩa cổ từ thời Tây Chu khoảng 1.000 năm trước công nguyên với giá 27,3 triệu USD.

Chiếc đĩa cổ Hề Giáp Bàn với chất liệu bằng đồng được chế tác vào năm 823 TCN dưới thời Tây Chu (1046 - 771 trước Công nguyên). Chiếc đĩa cao 11,7cm, rộng 47cm với tay cầm ở hai bên.

Hề Giáp Bàn được định giá 487 tỷ đồng.

Trên lòng đĩa có khắc 133 ký tự lưu lại thông tin lịch sử quý giá về nhà Tây Chu. Theo đánh giá của chuyên gia, đây là cổ vật bằng đồng lâu đời nhất được phát hiện cho tới nay tại Trung Quốc.

Hề Giáp Bàn được đặt theo tên của Doãn Cát Phủ, quốc công nước Doãn, một chư hầu của nhà Tây Chu. Doãn Cát Phủ cũng là người sưu tầm chính của Kinh Thi, bộ sưu tầm thơ đầu tiên của Trung Quốc.

Chiếc đĩa cổ được khai quật dưới thời nhà Tống (960 - 1279) và trở thành bảo vật hoàng gia dưới thời Nam Tống (1127 - 1279). Hề Giáp Bàn bị thất lạc dưới thời nhà Thanh, nhưng sau đó đã được tìm lại.

Các nhà sử học đánh giá Hề Giáp Bàn có giá trị ngang với Mao Công Đỉnh, một bảo vật quốc gia bằng đồng với chữ khắc dài nhất thế giới. Với giá 27,3 triệu USD, Hề Giáp Bàn là một trong các cổ vật được bán đấu giá cao nhất tại Trung Quốc.  

Nguyên Anh