Sức khỏe

Hoảng hồn bệnh nhân bị tăm đâm thủng ruột mà không hay biết

Mới đây, bệnh viện Gia An 115 TPHCM thông tin ê kíp phẫu thuật của bệnh viện vừa cứu chữa một trường hợp bị tăm tre nhọn đâm thủng bụng.

Bệnh nhân là bà V.T.L (68 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận), nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, 3 ngày liền bị đau bụng quặn liên tục. Lúc đầu đau âm ỉ vùng thượng vị, sau đó cơn đau lan khắp bụng, không thể ăn được.

Bệnh nhân được thăm khám kỹ và chỉ định nội soi dạ dày. Khi nội soi dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện một dị vật và lấy ra là cây tăm dài 6cm xuyên thủng tá tràng. Sau lấy dị vật, sức khỏe bà L. dần hồi phục. Cây tăm này nằm trong từ 3 ngày trước nhưng bệnh nhân không hề hay biết mình đã nuốt phải.

Cây tăm dài 6cm xuyên thủng tá tràng người bệnh. Ảnh: BV.

Cách đây không lâu, các bác sĩ khoa thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã gắp thành công chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 3cm xuyên thủng tá tràng cho nữ bệnh nhân 56 tuổi.

Chuyên gia cảnh báo:

Từ những trường hợp như trên, các chuyên gia tiêu hóa cho biết nuốt tăm tre và bị tăm đâm thủng ruột là tai nạn vẫn thường gặp và hay xảy ra ở người lớn tuổi. Hầu hết bệnh nhân có thói quen ngậm tăm lúc ngủ nên nuốt mà không biết.

Số khác nuốt tăm nhưng nghĩ không sao nên không đi khám, đến khi đau dữ dội đi khám thì đã bị biến chứng do tăm để lâu gây áp xe, tạo thành ổ viêm, khối u hoặc đâm thủng ruột và dịch chảy vào ổ bụng gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc… nguy hiểm tính mạng.

Tăm đâm vào nội tạng cũng được coi là hóc dị vật nhưng nguy hiểm hơn nhiều so với hóc xương, như xương cá còn có thể bị các dịch vị, đặc biệt là dịch ở dạ dày ăn mòn, phá hủy.

Tăm nhọn lại thuộc chất gỗ không bị phá hủy, ăn mòn nên trôi dạt đến đâu nguy hiểm tới đó. Tăm - dị vật rơi vào cơ thể sẽ tạo ổ áp xe, gây chảy máu, đặc biệt nếu đâm vào thực quản gây chảy máu ồ ạt thì ngay cả nằm trên bàn mổ cũng khó cứu được.

Thực tế đã có không ít bệnh nhân bị tử vong vì vô ý nuốt phải tăm. Vì có những trường hợp khi tăm mắc ở họng đã cố tình lấy ra, tăm có thể từ thực quản tuột ra nguy cơ cắm vào mạch máu vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra.

Nếu thủng mạch máu, bệnh nhân rất dễ tử vong. Khi thoát khỏi thực quản, tăm vào dạ dày gây thủng dạ dày, chu du xuống ruột non, ruột già gây thủng phải mổ cấp cứu mới hy vọng cứu được bệnh nhân.

Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp, dù đã nội soi nhưng cũng không xác định được bệnh nhân bị thủng ruột do nguyên nhân dị vật nào mà thường được mổ cấp cứu vì tình trạng viêm nhiễm trùng ổ bụng.

Do đó, nếu biết nuốt phải tăm cần ngay lập tức ngưng nuốt, cố gắng nôn ọe ra càng sớm càng tốt. Khi đã bị hóc, không nên ăn bất cứ thứ gì nhằm đẩy xuống mà nhanh chóng đến bệnh viện để giải quyết.

Người dân tuyệt đối không nên ngậm tăm sau xỉa răng, nhất là khi ngả lưng, khi ngủ. Tuyệt đối không nên bẻ đôi tăm, vừa xỉa răng, ngậm tăm vừa nói chuyện… rất dễ bị hóc tăm.

Khi bị hóc tăm tuyệt đối không nên chữa mẹo, tự ý xử lý tại nhà bằng biện pháp dân gian trước khi đến cơ sở y tế. Các phương pháp như nuốt cơm, nuốt một số loại quả, vỏ, lá… chữa hóc rất rủi ro, càng làm tăm đâm sâu vào thực quản, gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp nuốt trôi xuống đường tiêu hóa dưới cũng có thể đâm vào dạ dày, ruột gây thủng…

Thế Hào (T/h theo Giáo Dục và Thời Đại, Tuổi Trẻ)