Sự kiện

“Hỏa tốc” xác minh việc vận động trồng rừng tại vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Ngày 16/3, tin từ văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xác minh thông tin vận động trồng rừng tại vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Trước đó, vào ngày 15/3, trên mạng xã hội có thông tin kêu gọi “Góp 1 cây với 15.000 đồng chống xâm nhập mặn tại Cà Mau” và có đăng tải bài viết tại website: http://gaiavn.org/tin-tuc/tin-moi/trong-rung-ca-mau.html.

Theo nội dung bài viết: “Năm nay 2020, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đã đạt mức kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong khu vực.

Chỉ với 15.000 đồng, bạn sẽ trồng được 1 cây Mắm trắng tại vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, góp phần chống xâm nhập mặn, và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng, tạo nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như: Rái cá, Mèo cá, Trăng gấm, Rùa răng, Bồ nông chân xám,...

Hàng trăm ngàn quả Mắm rụng từ cây mẹ sẽ được giữ lại tại khu vực bãi bồi và chăm sóc để phát triển thành cây con, và thành rừng ngập mặn.

Ngay khi bạn chuyển khoản ủng hộ trồng rừng, tên và lời nhắn của bạn sẽ xuất hiện trong khu rừng dưới đây. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng Rừng Cà Mau vào tháng 8/2020. Bạn sẽ được nhận tin tức về khu rừng trong 4 năm liên tiếp”.

Thông tin trang web đăng tải. (Ảnh cắt từ trang web).

Cũng theo nội dung thông tin của trang website nói trên thì có hai cách để người dân ủng hộ cây gồm: chuyển khoản vào ngân hàng VCB, tên tài khoản của trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia với số số tài khoản 0181003514159 và chuyển tiền qua ví momo bằng cách quét mã QR trên ảnh bằng camera.

Mục tiêu trồng cây được thể hiện trong website này là 100.000 cây, trên diện tích 50ha bãi bồi. Hạn ủng hộ 15/6/2020, hoặc khi đã nhận đủ số cây. Hiện tại, theo nội dung trang web thì đơn vị đã vận động được 28.912 cây.

Trước thông tin trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã giao cho sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung thông tin nêu trên; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định (nếu có) và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 19/3.

Theo ghi nhận của PV báo điện tử Người Đưa Tin, đến sáng 16/3, trên website này vẫn tồn tại nội dung thông tin trên. Thông tin từ trang web thể hiện những hoạt động liên quan đến “bảo tồn thiên nhiên” và có trụ sở hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh.