TV Show

Hòa Thân không bao giờ ngờ rằng di chiếu của Càn Long lại là ba chữ này

Sau khi Càn Long qua đời, Gia Khánh chính thức lên ngôi, việc đầu tiên muốn làm chính là giết chết Hòa Thân.

Hòa Thân (1750-1799) là một vị quan đại thần của triều nhà Thanh thời Vua Càn Long. Xuất thân là một công tử Mãn Châu, khi 10 tuổi ông được đưa vào cung học. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vụ thị vệ. Sau được Vua Càn Long sủng ái cùng với năng lực bản thân, Hòa Thân đã giữ nhiều trọng trách trong triều đình.

Tranh vẽ về quan đại thần Hòa Thân dưới triều Vua Càn Long của Trung Quốc.

Ban đầu, Hòa Thân vô cùng hăng hái và nhiệt huyết, một lòng muốn làm một vị quan tốt, thậm chí là một vị quan thanh liêm, chính tích xuất sắc. Thậm chí, ông còn đích thân vạch trần nhiều tham quan. Tuy nhiên, khi địa vị ngày được củng cố, bên cạnh đó là sự yêu chiều của vua, ông không còn kiểm soát được bản thân.

Hòa Thân không ngại công khai việc bản thân nhận hối lộ, tống tiền các viên quan nhỏ. Không chỉ vậy, ông cùng các tay sai còn ra sức vơ vét của cải, dù cho đó là tiền cứu đói, hay quốc khố quân sự, dù thời kỳ ấy, nhà Thanh liên tục bị các thế lực nổi loạn tấn công.

Sở Văn lục đời sau viết: "Đời Thanh Cao Tông Càn Long, Hòa Thân làm quan, quyền thế khuynh đảo thiên hạ, kết bè kết đảng, đi lệch chính đạo mà kẻ sĩ trong triều chẳng dám ngăn trở".

Dù phạm nhiều tội lỗi, nhưng Hòa Thân luôn được Càn Long bao bọc.

Sau hàng loạt những lần tham nhũng, Càn Long vẫn một lòng bảo vệ Hòa Thân. Thậm chí, ngay cả khi tay sai của Hòa Thân bị kết tội tham ô và bị xử tội chết, ông vẫn “hiên ngang” nắm quyền lực. Dân gian truyền miệng nhau, miễn là Càn Long còn ngồi trên ngai vàng, Hòa Thân chắc chắn sẽ được an toàn.

Di chiếu của Càn Long

Khi Gia Khánh đế vẫn chưa lên nắm quyền, ông luôn phải chịu đủ mọi sự ức hiếp của Hòa Thân, lúc đó trong lòng Gia Khánh đã gieo xuống một hạt giống của hận thù rồi. Khi Càn Long bước vào những năm của tuổi xế chiều, lúc thượng triều đều ra lệnh cho Hòa Thân đứng ở bên cạnh ông, bởi vì chỉ có Hòa Thân mới hiểu được Càn Long đang nói gì.

Càn Long càng ngày càng không thích nghe những lời trung thần, thích đao to búa lớn, khoác lác khoe khoang là thập toàn lão gia, cho rằng mình có thể sánh ngang với tổ phụ Khang Hy. Hòa Thân thì hàng ngày vẫn dùng những lời đó để mê hoặc Càn Long, luôn luôn làm cho Càn Long hả hê sung sướng.

Hoà Thân rất được lòng Càn Long.

Có giai thoại kể lại rằng lúc này Hòa Thân biết rõ những việc mình mình làm trước kia là mang trọng tội, đã đắc tội quá nhiều người, biết rằng sau khi Càn Long mất thì mình chắc chắn khó thoát khỏi cái chết. Vì vậy Hoà Thân đã xin Càn Long ban cho một kim bài miễn tử. Càn Long không còn cách nào, đành phải để lại cho Hòa Thân một tấm di chiếu.

Quả nhiên sau khi Càn Long băng hà, Gia Khánh lập tức muốn giết quyền thần Hòa Thân, đích thân xét xử Hòa Thân tại điện Kim Loan. Sau khi xét xử xong, Gia Khánh phán quyết cho người đưa Hòa Thân ra Ngọ Môn lăng trì xử tử. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh chóng, có người mang di chiếu của Càn Long đến, sắc mặt của Gia Khánh đế và các quan đại thần bỗng trở nên khó coi, nhìn thẳng vào Hòa Thân. Không ngờ sau khi Hòa Thân mở di chiếu ra xem, sắc mặt biến đổi hoàn toàn, gào lên: “Điều này không thể nào… không thể nào…”. Vì thế đại thần Vương Kiệt đã không nhịn được mà giật lấy tấm di chiếu để xem, không ngờ trong đó viết ba chữ: “Giữ toàn thây”.

Hòa Thân không bao giờ ngờ rằng di chiếu của Càn Long lại là ba chữ “Giữ toàn thây”, hoàn toàn tuyệt vọng. Gia Khánh cũng tuân theo di chiếu cho Hòa Thân chết toàn thây, phán Hòa Thân tuy rằng có tội ác quá lớn, nhưng dù sao cũng từng đảm nhận chức vị đại thần của tiên triều, vì vậy đổi cách hành quyết thành tự vẫn trong nhà lao, cuối cùng ban cho Hòa Thân dùng khăn trắng tự vẫn trong nhà mình. Ngày hôm sau sau khi xử tử Hòa Thân, Gia Khánh đế tuyên bố rằng vụ án Hòa Thân đã kết thúc, sẽ không liên lụy đến bá quan trong triều theo quy mô lớn, để quần thần được yên tâm.

Những báu vật bí ẩn trong nhà giúp Hòa Thân được chết toàn thây

Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông ta tự vẫn tại phủ ngày 22/2/1799, tha cho gia đình Hòa Thân.

Quang cảnh bên trong phủ Hòa Thân.

Đây cũng là chuyện lạ với những tội danh tày đình như thế, nguyên do có thể gắn với những báu vật bí ẩn trong nhà của Hòa Thân. Khi phá dỡ hai hòn giả sơn, triều đình phát hiện và tịch thu con tỳ hưu bằng ngọc phỉ thúy xanh, nhưng chữ Phúc (bút tích của chính Vua Càn Long viết để tặng bà nội nhân dịp thượng thọ, không biết như thế nào lại lọt vào tay Hòa Thân) thì được tạc vào một khối đá lớn. Nếu phá khối đá thì chữ Phúc cũng tan, mặt khác do bút tích của Vua Càn Long nên không ai dám động vào. Đó là điềm báo khiến Vua Gia Khánh tha chết cho cả nhà Hòa Thân và để ông chết toàn thây.

Ngoài ra, cũng có một số tài liệu nói rằng nhờ sự can thiệp kịp thời của em gái Vua Gia Khánh, cũng là con dâu Hòa Thân, giúp ông may mắn thoát án tử hình ghê rợn, thay vào đó bị ép treo cổ tự vẫn.

Quốc Tiệp (t/h)