Văn hoá

Hoạ sĩ 8x kể chuyện vẽ tranh sơn mài theo phong cách Nhật Bản

Bỏ ra 10 năm để miệt mài sáng tạo, Họa sĩ Vũ Văn Tịch ứng dụng nhiều điều mới mẻ trong sáng tác tranh sơn mài để tạo ra một khu vườn bí ẩn trong nghệ thuật.

Hoạ sĩ Vũ Văn Tịch sinh năm 1989, anh Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2016, với chuyên ngành hội họa, gắn với ba chất liệu quen thuộc là sơn dầu, lụa và sơn mài.

Khi bắt đầu hành trình sáng tác, Vũ Văn Tịch lại chọn chất liệu sơn mài. Lý giải về điều này anh tâm sự: “Chọn sơn mài, tôi nghĩ đấy là nhân duyên. Khi dùng qua ba chất liệu, tôi cảm thấy sơn mài hợp hơn với con người, tính cách của mình. Tôi thích sự sâu lắng, thâm trầm, kín đáo, để rồi khi khám phá ra đằng sau những nét ẩn khuất nội hàm ấy, sẽ là một kết quả… ưa nhìn”. 

Tối 22/10, anh giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Trong vườn của mình tại Hà Nội, giới thiệu 20 bức tranh sơn mài vừa mang hơi hướng cổ điển, vừa đậm cá tính hiện đại.

Một tác phẩm trong triển lãm Trong vườn của hoạ sĩ Vũ Văn Tịch.

Theo đó, họa sĩ 8x bắt đầu dự án này từ năm 2019, sau khi đã dành 10 năm thực hành nghệ thuật sơn mài. Anh say mê chất liệu sơn ta truyền thống song vẫn cố gắng đổi mới phương thức thể hiện từ những cảm nhận cá nhân. Chẳng hạn, anh dùng vỏ trứng cút để thêm sắc độ cho tranh thay vì chỉ dùng vỏ trứng gà, trứng vịt như cách làm truyền thống. Anh cũng xay nhỏ bạc ra ở các mức độ mịn khác nhau rồi trộn cùng sơn để tạo thêm hiệu ứng ánh sáng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, hoạ sĩ Vũ Văn Tịch cho hay: "So với các loại tranh khác, tranh sơn mài rất khó thực hiện, có nhiều công đoạn mài ủ và các yếu tố phụ thuộc bao gồm cả độ ẩm và thời tiết. Vật liệu được sử dụng trong sơn mài là các thành phần đến từ tự nhiên. Ở tranh sơn mài, tôi đẩy cao kỹ thuật truyền thống lên, cộng với sự tìm hiểu riêng của bản thân, như tôi vẽ tranh sơn mài theo kỹ thuật của Nhật Bản để tạo hiệu quả thị giác với khán giả. Dó đó, tôi ứng dụng các kỹ thuật của mỹ thuật thế giới và với phong cách vẽ tranh của mình để dung hoà, chuẩn hoá tác phẩm của mình".

"Ở triển lãm tranh này, giám tuyển (những người làm công việc định hướng nghệ thuật, giám định và tuyển chọn tác phẩm cho các triển lãm - PV) đã có cái nhìn mới mẻ cho câu chuyện trưng bày tranh ở triển lãm. Có lẽ chúng tôi có sự đồng điệu trong cách nhìn về mỹ thuật, sáng tạo nên mới có một triển lãm ý nghĩa này" - Hoạ sĩ 8x cho biết.

Hoạ sĩ Văn Tịch (phải) và giám tuyển mỹ thuật Vân Vi (trái).

Giám tuyển Vân Vi cho biết: "Dự án triển lãm này, tôi và hoạ sĩ Vũ Văn Tịch dự định làm từ năm 2019, qua làm việc với nhau, chúng tôi thấy khá hợp. Tôi thấy hoạ sĩ ứng dụng nhiều chất liệu mới trong tranh, chịu khó tìm tòi trong nghệ thuật. Khó nhất khi làm triển lãm này là phần phân phối ánh sáng. Toàn bộ tranh là hệ màu âm tính, chính vì vậy, tôi đã thay đổi nhiều phương án, làm sao cho bức tranh này không được choán hết ánh sáng của bức kia.

Bằng cách sử dụng các kỹ thuật trên sơn mài như kỹ thuật dùng bạc mịn, vẽ xuyên lớp, kết hợp 3 sắc son, cùng việc kết hợp các thủ pháp nghệ thuật như đảo ngược những mảng tối sáng, dùng ngôn ngữ biểu tượng…Văn Tịch đã tạo ra một khu vườn sinh động và rực rỡ".

Tranh của hoạ sĩ 8x ứng dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống và trên thế giới.

"Lịch sử tranh sơn mài ở nước ta có quá trình phát triển chưa đến 100 năm kể từ khi những người thầy đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đưa chất liệu sơn mài trở thành chất liệu sáng tác, những lớp hoạ sĩ thời đó cũng chỉ là những người khai phá chất liệu sơn mài trong tranh. Văn Tịch là hoạ sĩ say mê sơn mài, cái khó nhất của dòng tranh này không phải là kỹ thuật phức tạp hay độ tinh tế mà cái quan trọng là trong quá trình sáng tạo, hoạ sĩ giữ được sự rung cảm cho đến lúc hoàn thành, chính tâm hồn rung cảm của hoạ sĩ đã làm nên những tác phẩm này..." - Giám tuyển Vân Vi bộc bạch.