Hồ sơ doanh nghiệp

Hoà Phát lãi kỷ lục, tài sản tỷ phú Trần Đình Long biến động ra sao?

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng trên thị trường chứng khoán cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông báo doanh thu quý IV/2021 đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 73% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 7.400 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. So với 2 quý trước, lợi nhuận quý cuối năm 2021 giảm 25-29%.

Lũy kế năm 2021, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65%; lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng - vượt 92% kế hoạch năm và tăng 156% với năm trước.

Trong năm 2021, Tập đoàn này đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 12.400 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2020 và cao gần gấp đôi năm 2018. Giai đoạn 5 năm 2016-2020, Hòa Phát đã nộp tổng cộng 28.591 tỷ đồng vào ngân sách.

Doanh nghiệp cho biết, các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên trong năm đã hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Tập đoàn cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với 2020.

Hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021 với 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Hòa Phát tiếp tục giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong top 5 nhà sản xuất lớn nhất với 8%.

Với lĩnh vực chăn nuôi, Tập đoàn cho biết đang dẫn đầu về sản lượng bò Úc tại Việt Nam, trứng gà sạch thì dẫn đầu thị trường miền Bắc với sản lượng khoảng 800.000 quả/ngày. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo tiếp tục mở rộng hoạt động.

Lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp tập trung mở rộng các khu công nghiệp hiện có, đồng thời nghiên cứu đầu tư một số dự án nhà ở, khu đô thị dịch vụ.

Ngoài ra, tập đoàn cũng đang tập trung triển khai nhiều dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Dung Quất, nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy sản xuất hàng điện máy gia dụng tại Hà Nam... Những dự án này được kỳ vọng hoàn thành sẽ nâng tầm quy mô và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn cho Hòa Phát.

Cổ phiếu HPG trên thị trường chứng khoán 1 tháng qua (Nguồn: Trading view).

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng trên thị trường chứng khoán cổ phiếu HPG của Tập đòa Hòa Phát liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Chốt phiên giao dịch sáng 28/1, mã cổ phiếu HPG ở mức giá 41.800 đồng/cổ phiếu. So với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, thị giá cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận mức giảm 4.600 đồng/cổ phiếu.

Còn so với mức đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu thiết lập cuối tháng 10/2021, cổ phiếu HPG đã lao dốc 16.200 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa trên thị trường của HPG cũng lao dốc cùng giá cổ phiếu xuống chỉ còn khoảng 188.533 tỷ đồng.

Là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 26% vốn của tập đoàn, với việc giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long hiện ghi nhận giảm về mức hơn 49.164 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2021, tài sản của ông Long đã giảm 4.136 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, ông Trần Đình Long vẫn là người giàu thứ 2 tại Việt Nam (xếp sau ông Phạm Nhật Vượng). Ông được Forbes công nhận là tỷ phú đô la giàu thứ 2 Việt Nam với tài sản 2,8 tỷ USD tính đến ngày 27/1/2022.