Xi nhan Trái Phải

Hoà Phát: Kỳ tích, kinh ngạc

Vượt qua nhiều tên tuổi lớn như Viettel, Petro Vietnam, dự kiến, Hoà Phát sẽ trở thành công ty Việt Nam có lợi nhuận lớn nhất vào cuối năm 2021.

Trong cơn đại suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động, các doanh nghiệp trụ vững, có tăng trưởng đã là giỏi, còn tăng trưởng 10%-20% là xuất sắc, thế mà 9 tháng đầu năm 2021, Hoà Phát đã tăng trưởng lợi nhuận lên đến 200%, cao gấp 3 lần năm 2020, thật là một con số không tưởng.

Hoà Phát đã chính thức đã gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trên 1 tỷ USD, đứng chung với Samsung, Toyota, Viettel, Petro Vietnam, Vietcombank, Vinhomes.

Chưa hết, với dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 34.650 tỷ đồng thì có nhiều khả năng là Hoà Phát sẽ trở thành công ty Việt Nam có lợi nhuận lớn nhất vào cuối năm 2021, vượt qua cả những tên tuổi lớn Viettel, Petro Vietnam.

Hòa Phát lần đầu lãi hơn 10.000 tỷ trong một quý

Đầu năm 2021, Hoà Phát đã chính thức trở thành công ty thép lớn nhất Đông Nam Á về sản lượng và theo công bố mới nhất của Reuters và Refinitiv Eikon, với 11 tỷ USD, Hoà Phát đã trở thành công ty thép có vốn hoá lớn nhất Đông Nam Á, lớn thứ 15 thế giới, cao hơn cả JFE Nhật Bản (vốn hoá 8,9 tỷ đứng thứ 19) và BlueScope Steel Australia (vốn hoá 7,3 tỷ USD đứng thứ 25).

Những công ty thép đứng từ số 1 đến 14 về vốn hoá lớn nhất thế giới bao gồm các công ty thép Trung Quốc (4 công ty), Mỹ (2), Nhật Bản (1), Ấn Độ (2), Nga (2), UK (1), Hàn Quốc (1), Pháp-Tây Ban Nha (1), toàn những cường quốc kinh tế lớn có quy mô lớn gấp 5 đến 65 lần Việt Nam. Hoà Phát đứng chung vào danh sách ấy quả là đáng tự hào.

Để củng cố vị thế của mình trên phạm vi toàn cầu, Hòa Phát đã quyết định đầu tư 3,7 tỷ USD xây dựng lò cao vào đầu năm 2022 với mục tiêu nâng sản lượng thép thô lên 70% hàng năm, tránh rủi ro khi Việt Nam bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu thép của Trung Quốc.

Hòa Phát cũng đã mua toàn bộ cổ phần mỏ quặng sắt Roper của Australia để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định trong thị trường cạnh tranh. Ước tính dự trữ của mỏ sắt Roper lên đến 320 triệu tấn, đủ để Hoà Phát khai thác 80 năm, mỗi năm 4 triệu tấn.

Hòa Phát cũng đang thăm dò việc mua cổ phần các mỏ than cốc của Australia, để đảm bảo chủ động cả nguồn nhiên liệu thiết yếu cho sản xuất thép.

Tại sao cùng sản xuất thép mà Hoà Phát lại có lợi nhuận cao như vậy?

Câu trả lời là Hoà Phát đã áp dụng công nghệ tuần hoàn khép kín, tận dụng nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện than coke, luyện gang, thu hồi triệt để nhiệt năng dư thừa trong sản xuất thép để vận hành máy phát điện cho chính các nhà máy nhiệt điện của Hoà Phát nằm ngay khu liên hiệp sản xuất thép của mình.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, lượng điện phát ra của các nhà máy nhiệt điện Hoà Phát ở Dung Quất, Hải Dương đã đạt 1 tỷ kWh (Dung Quất 815 triệu kWh, Hải Dương 242 triệu kWh), Hoà Phát đã tự chủ được 70%-90% lượng điện sản xuất thép. Với việc sử dụng công nghệ tuần hoàn khép kín như vậy Hoà Phát không những đã tiết kiệm được 3.400 tỷ tiền điện một năm, góp phần rất lớn vào việc giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh mà còn góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

[Info] "Ông trùm" thép Việt Trần Đình Long

Việc Hoà Phát trở thành công ty thép lớn nhất Đông Nam Á, có vốn hoá lớn nhất Đông Nam Á, lớn thứ 15 thế giới (trong danh sách các công ty thép toàn cầu); cùng với Vinamilk là thương hiệu số 1 Đông Nam Á, số 4 toàn cầu trong bảng xếp hạng thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống và Viettel là thương hiệu viễn thông số 1 Đông Nam Á, số 10 châu Á, số 24 thế giới (của Brand Finance) chính là hình ảnh một nước Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Khi viết bài này tôi đã rất khó khăn khi chọn từ trong tiêu đề bài viết: Kỳ tích Hoà Phát, Con Rồng Hoà Phát và cuối cùng tôi đã chọn “Hoà Phát: Kỳ tích, kinh ngạc" với hy vọng Việt Nam chúng ta sẽ còn nhiều công ty khác lập nên kỳ tích đáng kinh ngạc như Hoà Phát.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.