Hồ sơ doanh nghiệp

Hòa Phát dự lãi 2022 tối thiểu 25.000 tỷ, chia cổ tức 2021 tỉ lệ 35%

Hòa Phát dự kiến doanh thu sẽ lên đỉnh mới 160.000 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế sẽ đi xuống đáng kể. Tập đoàn cũng đề xuất phương án cổ tức năm 2021 tỉ lệ 35%.

Mục tiêu doanh thu khủng, lợi nhuận giảm

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa thông qua nghị quyết hội đồng quản trị về các nội dung dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra ngày 24/5 tới đây.

Cụ thể, HĐQT Hòa Phát sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu dự kiến 160.000 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận sau thuế từ 25.000 đến 30.000 tỷ đồng.

Với kế hoạch doanh thu, đây là mục tiêu doanh thu cao chưa từng thấy trong lịch sử Hòa Phát. Còn mục tiêu lợi nhuận lại thấp hơn 13 - 28% so với kết quả năm 2021.

Quý I đầu năm nay, Hòa Phát ghi nhận doanh thu khoảng 44.400 tỷ và lãi sau thuế 8.200 tỷ đồng, tức là đã thực hiện khoảng 28% mục tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.

HĐQT Hòa Phát cũng thông qua phương án trích lập các quỹ từ khối lợi nhuận sau thuế 34.521 tỷ đồng của năm 2021.

Cụ thể, quỹ đầu tư phát triển 5 tỷ đồng, quỹ khen thưởng phúc lợi (3% lợi nhuận) 1.036 tỷ đồng, thù lao Hội đồng quản trị (0,5% lợi nhuận) 172 tỷ đồng và quỹ khen thưởng Ban Điều hành (3% phần lợi nhuận vượt kế hoạch) 496 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ là 32.812 tỷ đồng. 

Tăng vốn điều lệ lên hơn 58.000 tỷ đồng

Về phương án chia cổ tức năm 2021, Tập đoàn đề xuất phương án chia với tổng tỉ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt (500 đồng/cp) và 30% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022. Tỉ lệ cổ tức dự kiến của năm 2022 là 25%.

Như vậy, nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu HPG tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 50.000 đồng tiền mặt (chưa trừ thuế, phí) và 30 cổ phiếu HPG mới.

Hòa Phát hiện nay có hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi ra khoảng 2.236 tỷ đồng tiền mặt và phát hành 1,34 tỷ cổ phiếu mới. Tổng số cổ phiếu sau khi chia cổ tức là hơn 5,8 tỷ đơn vị, ứng với vốn điều lệ hơn 58.000 tỷ đồng.

Vốn điều lệ mới của Hòa Phát sẽ lớn hơn cả các ngân hàng quốc doanh hiện nay. Mặc dù vậy, các nhà băng như BIDV (HoSE: BID), VietinBank (HoSE: CTG) hay VPBank (HoSE: VPB)... đều đang có kế hoạch tăng vốn khủng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Điều này có nghĩa rằng, khi vốn điều lệ của Hòa Phát tăng lên thì các “ông lớn” khác cũng không đứng im.

Hòa Phát hiện có công suất thép thô trên 8 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 700.000 tấn/tháng. Quý I/2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao.

Tuy nhiên các nhà máy của Hòa Phát luôn hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hòa Phát đã sản xuất 2,16 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.

Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 1,34 triệu tấn, tăng 57%. Thép cuộn cán nóng của Hòa Phát trong 3 tháng đầu năm đạt 763.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2021. Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ lần lượt là 207.000 tấn và 105.000 tấn, tương ứng mức tăng 13% và 43% so với cùng kỳ 2021.