Văn hoá

Hoa lê phủ trắng núi rừng Tuyên Quang

Sắc trắng mộc mạc của những loài hoa trên vùng đất cao nguyên khiến du khách không khỏi đắm say, mê mẩn đến ngỡ ngàng mỗi khi ghé về đây chiêm ngưỡng và trải nghiệm.

Nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, xã Hồng Thái (huyện Na Hang, Tuyên Quang) được ví như Sa Pa thứ 2 của miền Bắc. Cứ vào tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, nơi đây lại được bao phủ bởi sắc trắng của hoa lê. Các cánh hoa bung ra rực rỡ giữa đại ngàn khiến không gian sáng bừng sức sống mới. 

Hơn chục năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, lê đã trở thành điểm sáng và là sản phẩm chủ lực của vùng đất này. Nhất là khi ruộng bậc thang Hồng Thái được công nhận là Danh thắng Quốc gia, cây lê đã được bà con chú tâm phát triển, chăm sóc.

Hoa Lê là loài hoa đặc trưng của vùng đất xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang).

Cả xã Hồng Thái hiện có hơn 90 ha cây lê, nằm rải rác ở 7/7 thôn, nhiều nhất ở thôn Khau Tràng. Đây là vùng núi cao 1.200 m so với mực nước biển, khí hậu mát lạnh quanh năm đặc trưng rất thích hợp với cây lê. Những vườn lê cổ thụ tại Na Hang đã có từ lâu, nhưng chỉ vài năm trở lại đây mới được du khách thập phương biết tới.

Mỗi sáng sớm, chen giữa lớp mây mù mờ ảo, những cành hoa lê như bông tuyết lơ lửng giữa lưng chừng trời. Tất cả tạo nên một trải nghiệm khó quên đối với du khách,

"Mình đã xem ảnh hoa lê trên mạng xã hội, nghe bạn bè đã từng đến đây tả lại nên mình cũng đã hình dung ra được phần nào vẻ đẹp của hoa lê ở Hồng Thái, Tuyên Quang nhưng khi tận mắt chiêm ngưỡng thì phải òa lên vì quá đẹp, con người nơi đây nữa rất thân thiện, gần gũi", chị Thủy Tiên (du khách Hà Nội) cười nói.

Đắm say với sắc trắng hoa lê.

Dọc đường đến Khau Tràng, những gốc lê có tuổi đời chừng 20 năm trồng thành hàng xuôi theo sườn dốc thoải, vươn tán rộng thành một vòm, cảnh quan nơi đây đẹp nhất để dạo bộ, ngắm cảnh hay dã ngoại. Điều đặc biệt, nhờ được tô điểm bởi sắc hoa quanh nhà mà những ngôi nhà gỗ truyền thống hay sắc áo chàm đen của người phụ nữ Dao Tiền trở nên nổi bật.

Bên cạnh đó, người đồng bào dân tộc Dao tại xã vùng cao này đang dần làm du lịch cộng đồng để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều gia đình mở dịch vụ lưu trú homestay, ăn uống, tham quan vườn lê, cho thuê trang phục...

Bạn Nguyễn Tùng Anh (du khách) chia sẻ, "Quang cảnh ở nơi đây thật tuyệt vời, tôi thích nhất ở Hồng Thái chính là sự hoang sơ, bình dị và mộc mạc chưa bị tác động nhiều của con người. Trước cảnh đẹp này, tôi đã kịp lưu lại những khoảnh khắc cùng với các bà con dân tộc Dao Tiền".

Du khách chụp ảnh tại vườn hoa lê.

Ngoài các vườn lê trên núi cao, xã Hồng Thái còn có con đường hoa lê dài nhất Việt Nam đã được kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận. Hoa lê nở trắng từ trung tâm xã đến giáp địa phận xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn khoảng 5km, do chính quyền và người dân địa phương lên kế hoạch trồng trọt, chăm sóc để phục vụ mục đích quảng bá du lịch địa phương.

Hồng Thái không chỉ thu hút khách du lịch bởi cảnh sắc thiên nhiên vốn có mà còn là cách mà người dân nơi đây vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Đánh giá về du lịch Tuyên Quang, chị Trần Thị Hương - đại diện Công ty TNHH Thương Mại và Du Lịch Khát Vọng Việt cho biết, từ tháng 2 công ty đã nhận khách tour du lịch đến Hồng Thái, Tuyên Quang, năm nay khách vẫn ổn định.

Chị Hương cho hay, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thậm chí có những loại hình Tuyên Quang có khả năng cạnh tranh lớn so với các địa phương khác nhưng hiện nay, tỉnh này vẫn chưa phát triển du lịch xứng với tiềm năng.

Chị Trần Thị Hương - đại diện Công ty TNHH Thương Mại và Du Lịch Khát Vọng Việt.

Có thể nói, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn xác định du lịch là khâu đột phá để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đến nay du lịch của Tuyên Quang đã có sự chuyển biển tích cực, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang ngày càng tăng, hoạt động du lịch phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ và bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.