Sự kiện

Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

50 triệu USD là số ngân sách mà Hoa Kỳ dự kiến sẽ tài trợ cho Bộ NN-PTNT Việt Nam trong công tác giảm phát thải khí metan tại ĐBSCL.

Thỏa thuận khung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

Chiều 13/6, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Sherman đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận khung có giới hạn, hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022- 2027 giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Thông qua thỏa thuận này, USAID dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 50 triệu USD cho Bộ NN-PTNT trong công tác giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu và phát thải thấp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đại diện Bộ NN-PTNT, trao văn kiện thỏa thuận hợp tác với bà Yastishock, giám đốc USAID tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề cao sự hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước trong công tác phối hợp, nghiên cứu, thành tựu mới nhất là hoạt động thử nghiệm và chế tạo thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc (ảnh Lê Tuấn)

Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao và nhân dân Hoa Kỳ đã luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ Việt Nam nói chung, Bộ NN-PTNT nói riêng trong suốt thời gian qua và mong muốn các bên tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ song phương tốt đẹp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Wendy Sherman đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa USAID và Bộ NN&PTNT trong nỗ lực hỗ trợ người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong nông nghiệp. Bà hy vọng, đây sẽ là khởi đầu thuận lợi cho các dự án hợp tác tiếp tiếp theo giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực khác.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Wendy Sherman (ảnh Lê Tuấn)

“Giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu phải là một nỗ lực tập thể và nỗ lực này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường khả năng chống chịu với môi trường đến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học”, bà Sherman nhấn mạnh.

Bảo vệ động vật hoang dã, giữ cân bằng hệ sinh thái

Trong khuôn khổ Lễ ký kết, Bộ NN-PTNT và USAID đã kích hoạt Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, nhằm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Dự án này diễn ra trong vòng 5 năm với ngân sách 15 triệu USD nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã thông qua thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép. Tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn.

Tê giác là loài có khả năng tuyệt chủng chỉ trong vài thập kỷ tới

Theo Báo cáo của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV), Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và là quốc gia trung chuyển, nguồn và điểm đến trong chuỗi cung ứng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết, theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ như hiện nay thì các loài động vật nguy cấp nhất và mang tính biểu tượng nhất của thế giới như tê giác, voi, tê tê và hổ sẽ biến mất vĩnh viễn trong vòng vài thập kỷ tới.

Bà Ann Marie Yastishock, giám đốc USAID tại Việt Nam (ảnh Lê Tuấn)

“Thông qua dự án mới này, USAID mong muốn hợp tác chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép và bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp”, bà Yastishock bày tỏ.

Bày tỏ sự nhất trí cao độ với ý kiến của bà Ann Marie Yastishock, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh,

“Việc thực hiện hiệu quả dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ảnh Lê Tuấn)

Chứng kiến lễ khởi động dự án, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ vui mừng cho biết,

“Tôi biểu dương USAID và Bộ NN&PTNT về sự hợp tác trong chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Hoa Kỳ tự hào là đối tác của Việt Nam trong nỗ lực này”.

Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ phát huy thành công từ Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ và được thực hiện trong giai đoạn 2016-2021. Dự án này đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam củng cố và hài hoà hóa hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ các loài hoang dã, tăng cường thực thi pháp luật và truy tố tội phạm về động vật hoang dã, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với động vật hoang dã trái pháp luật.