Hồ sơ doanh nghiệp

Hóa chất Đức Giang báo lợi nhuận quý I/2022 cao kỷ lục

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I của Hoá chất Đức Giang đạt 3.634 tỷ đồng và 1.506 tỷ đồng, tăng lần lượt 86% và 418% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE:DGC) mới công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với kết quả kinh doanh ấn tượng.

Theo đó, công ty ghi nhận đạt 3.634 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán tăng 27%, đạt 1.928 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp kỳ này là 1.706 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức lợi nhuận gộp cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đến biên lợi nhuận gộp tăng từ 22% lên 47%.

Doanh thu tài chính tăng 2,6 lần kỳ này đạt 84 tỷ đồng do tăng lãi tiền gửi có kỳ hạn và tăng lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện trong khi chi phí tài chính tăng không đáng kể. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tương ứng 30% và 50%, lần lượt đạt 148 tỷ đồng và 42 tỷ đồng kỳ này.

Kết quả, Tập đoàn báo lợi nhuận sau thuế đạt 1.506 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với lợi nhuận quý I/2021. Đây tiếp tục là kỷ lục mới của tập đoàn này ghi nhận được trong một quý.

Lý giải về sự tăng trưởng này, doanh nghiệp cho biết, quý I năm nay sản lượng và giá bán các mặt hàng photpho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón tăng, nên doanh thu tăng 86,5% so với cùng kỳ, đạt 3.634 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí mua quặng apatit đầu vào được tiết giảm do công ty đã có sản lượng quặng trong 3 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ chưa khai thác quặng ở khai trường 25. Theo đó, giá thành sản phẩm giảm, lợi nhuận tăng.

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, vượt lần lượt 26% và 39% so với kết quả năm ngoái. Tỉ lệ cổ tức dự kiến là 30%. Như vậy, với kết quả trên, kết thúc quý I, công ty đạt 30% doanh thu còn lợi nhuận sau thuế hoàn thành 43,1% mục tiêu cả năm.

Về tình hình tài sản, tổng tài sản cuối kỳ của doanh nghiệp là 9.431 tỷ đồng, tăng gần 11% so với hồi đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn là khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng chiếm tỉ trọng lớn nhất, chiếm 53% tổng tài sản, tăng 37% so với đầu kỳ, đạt 4.981 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền giảm hơn một nửa còn gần 60 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chỉ chiếm 20%, trị giá 1.820 tỷ đồng trong đó phần lớn là vay ngắn hạn từ các ngân hàng trong nước. Nợ phải trả đã giảm 17% so với đầu kỳ chủ yếu do giảm phải trả người bán, phải trả ngắn hạn khác và giảm trả trước của khách hàng. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 7.611 tỷ đồng trong đó tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối là 4.004 tỷ đồng.

Sang quý II/2022, Hoá chất Đức Giang lên kế hoạch đạt mục tiêu tiêu thụ phốt pho vàng là 14.190 tấn, phân bón DAP 18.000 tấn, phân bón MAP 18.000 tấn, supe lân các loại 45.000 tấn…

Theo đó, mục tiêu tổng doanh thu quý II là 4.148 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế hợp nhất 1.200 tỷ đồng gấp 3,6 lần. So với quý I, các chỉ tiêu kinh doanh quý II tăng về doanh thu nhưng giảm về lợi nhuận.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xuất khẩu phân bón tăng do chiến dịch quân sự Nga – Ukraine khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng giá dầu thế giới tăng mạnh bởi đạm ure là sản phẩm gia tăng của ngành chế hóa dầu khí, cùng các lệnh hạn chế, cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ khiến nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là Kali, DAP giảm nghiêm trọng.

Được biết, Nga, Trung Quốc là hai nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới và Thổ Nhĩ Kỳ là nước sản xuất phân bón chủ lực ở châu Âu. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới cũng đang dần phục hồi sản xuất nông nghiệp khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón ở mức cao.

Mặc dù triển vọng ngành phân bón rất sáng sủa, song các chuyên gia phân tích cũng khuyến cáo nhà đầu tư mua cổ phiếu phân bón phải theo dõi sát sao diễn biến giá phân bón liên quan đến các biến động địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga – Ukraine.

Trong trường hợp có thay đổi theo chiều hướng tích cực từ hoạt động xuất khẩu của Nga, giá phân bón thế giới có thể quay đầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước cũng là rủi ro tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của công ty.