Hồ sơ doanh nghiệp

Hóa chất Đức Giang báo lãi lớn, Vinachem vẫn thoái toàn bộ vốn

Nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng đã mang về 488 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý III, gấp đôi cùng kỳ cho Hóa chất Đức Giang.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (MCK: DGC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu 2.106 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng ít hơn giúp lãi gộp tăng 80% lên hơn 640 tỷ đồng. 

Doanh thu tài chính cũng tăng 24% lên 40,5 tỷ đồng, song các chi phí hoạt động như bán hàng và quản lý tăng lần lượt 33% và 10% trong kỳ này. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý III đạt 488 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 6.094 tỷ đồng doanh thu và 1.113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 31% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Hóa chất Đức Giang đã thực hiện 81% chỉ tiêu doanh thu và vượt 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Giải trình kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng mạnh, lãnh đạo DGC cho biết, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón… tăng giúp doanh thu quý III tăng hơn 35%. Cùng với đó, sự đổi mới về công nghệ sản xuất phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly và phân bón giúp doanh nghiệp giảm được chi phí điện năng, chi phí nguyên liệu đầu vào (như quặng apatit, than) dẫn đến giá thành giảm.

Tính đến thời điểm 30/9, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 16% so với hồi đầu năm, đạt 6.802 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 71% về gần 81 tỷ đồng; khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng) tăng thêm hơn 790 tỷ đồng lên 2.531 tỷ đồng.

Giá trị hàng tồn kho tăng 7%, ở mức 742 tỷ đồng. Trả trước cho người bán hơn 159 tỷ, gấp 3,3 lần đầu năm, do tiền trả trước cho các nhà cung cấp (không thuyết minh) gấp 5,5 lần lên gần 151 tỷ đồng. Tài sản dài hạn phần lớn là tài sản cố định đạt gần 2.025 tỷ đồng, chiếm 30% quy mô tài sản của doanh nghiệp. 

Về nguồn vốn, nợ vay tài chính ngắn hạn giảm 24% về 869 tỷ đồng, doanh nghiệp không có nợ vay dài hạn. Người mua trả tiền trước ngắn hạn gấp 6,6 lần lên gần 224 tỷ đồng. 

Tính đến cuối quý III, vốn điều lệ tăng 15% lên gần 1.711 tỷ đồng, do công ty phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020. 

Trong cơ cấu cổ đông, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền sở hữu nhiều nhất với 18,5% vốn. Theo sau là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ hơn 8,85% cổ phần. 

Tuy nhiên, Vinachem muốn bán toàn bộ 15,1 triệu cổ phiếu DGC với giá khởi điểm 152.100 đồng/cp, tức số tiền tối thiểu Vinachem thu được từ thương vụ này khoảng 2.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2021 và quý I/2022.

Diễn biến thị giá cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang. (Nguồn: Tradingnew)

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 20/10, DGC đang giao dịch quanh vùng 156.000 đồng. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu DGC tăng rất mạnh, từ mức 40.000 đồng/cp lên đến mức giá như hiện tại. Với mức giá này, Hóa chất Đức Giang có vốn hóa đạt hơn 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD). Như vậy, doanh nghiệp này lọt vào câu lạc bộ các doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Đức Giang tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục Hoá chất Việt Nam, được thành lập năm 1963 với sản phẩm phổ biến nhất là Bột giặt Đức Giang. Công ty hoàn tất cổ phần hoá năm 2004, sau đó mở rộng kinh doanh sang sản xuất hoá chất kỹ thuật, hoá chất công nghiệp và phân bón. Công ty hiện là nhà sản xuất phố pho vàng và axit phosphoric lớn nhất trong nước, đồng thời là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công cloramin B – hoá chất dùng để phun khử khuẩn phòng chống Covid-19.