Tiêu dùng & Dư luận

Hỗ trợ tiêu thụ vải, nông sản ở Bắc Giang

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động có những ý kiến đề xuất để hỗ trợ lưu thông hàng hóa, tiêu thụ vải, nông sản.

Tiêu thụ vải  gặp khó, Bắc Giang đề xuất những giải pháp

Đến trưa 19/5, Bắc Giang ghi nhận 527 ca dương tính Covid-19, phần lớn tại hai ổ dịch Công ty Hosiden (KCN Quang Châu) và Công ty Shin Young (KCN Vân Trung). Hiện toàn tỉnh đã cách ly tập trung hơn 6.500 F1, cách ly tại nhà hơn 30.600 F2.

Bắc Giang có hơn 240.000 công nhân làm việc tại 6 khu công nghiệp trong tỉnh. Các khu công nghiệp thường nằm gần khu dân cư, sát đường quốc lộ, hệ thống đường xá, phương tiện giao thông tỏa đi khắp nơi trong vùng và tỉnh khác. Cách đây hai ngày tỉnh này đã quyết định dừng hoạt động 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng cho đến khi có thông báo mới.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, các bộ, ngành và tỉnh, thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã nói về thực trạng khó khăn của nông sản khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Vải Bắc Giang chuẩn bị vào vụ.

Cụ thể, khâu lưu thông, vận chuyển hàng nông sản của Bắc Giang qua các tỉnh, thành phố, cửa khẩu đang nghẽn. Các phương tiện vận tải chở nông sản, hàng thiết yếu và nguyên, vật liệu từ Bắc Giang đi các địa phương đều bị các chốt kiểm dịch chặn lại, không cho lưu thông. Ngược lại, các phương tiện vận tải của các địa phương vận chuyển hàng hoá tới Bắc Giang khi trở về lái xe phải cách ly tập trung 21 ngày.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị các địa phương cho phép phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hoá thiết yếu của Bắc Giang thông thương qua các cửa khẩu cũng như được lưu thông qua các tỉnh, thành phố thuận lợi để đảm bảo "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và mong muốn các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối... tích cực tiêu thụ.

Bắc Giang cam kết các doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe... khi vận chuyển nông sản, hàng hoá, nguyên vật liệu từ tỉnh này đến, qua các tỉnh, thành phố khác và ngược lại, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng Covid-19.

3 kịch bản tiêu thụ vải

Năm nay, Bắc Giang có 28.000ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, hơn 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867ha xuất khẩu sang Trung Quốc - 149 mã vùng.

Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, kế hoạch tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 được các bộ ngành thông qua ngày 17/5 và được phân rõ theo từng kịch bản.

Kịch bản thứ nhất: Nếu dịch được kiểm soát, khoanh vùng hết, số ca mắc và các F1, F2 được kiểm soát chặt chẽ, thì 50% vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trong nước và 50% vải thiều sẽ xuất khẩu. Trong đó, tiêu thụ trong nước: 51.000 tấn, xuất khẩu dự kiến từ 51.000-53.000 tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn (sấy khô: 2.000 tấn; nước ép, đóng hộp, đông lạnh: 4.000 tấn).

Kịch bản thứ hai: Nếu dịch COVID-19 trên địa bàn không được kiểm soát một cách triệt để thì 70% vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trong nước và 30% xuất khẩu. Dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn; tiêu thụ bằng hình thức khác 25.000 tấn.

Kịch bản thứ ba: Nếu Bắc Giang không kiểm soát được dịch thì 100% vải thiều được tiêu thụ trong nước. Đi cùng kịch bản này cần phải lên kế hoạch chi tiết về việc tiêu thụ ở đâu, số lượng bán tại trung tâm thương mại và chợ đầu mối thế nào, bán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử ra sao?

Ngoài ra, trong quá trình tiêu thụ vải thiều cũng cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác như bộ Công an, bộ Giao thông Vận tải bởi liên quan đến việc lưu thông, khử trùng, cấp giấy chứng nhận.

Chủ động ứng phó

Về hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, cục Bảo vệ thực vật đã chủ động làm việc với các cơ quan kiểm dịch Nhật Bản và các Tham tán của Nhật tại Việt Nam.

"Chúng tôi đề nghị Nhật Bản uỷ quyền cho các chuyên gia kiểm dịch của Việt Nam - thay thế cho các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giám sát các lô vải thiều về vấn đề kiểm dịch. Phía Nhật Bản đã có văn bản chính thức phúc đáp lại và đồng ý với đề nghị của Việt Nam. Để làm được việc này, các chuyên gia, cán bộ kiểm dịch Việt Nam cần phải nắm chắc các nguyên tắc từ phía Nhật Bản, làm sao để lô vải thiều của ta đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ" - ông Trung cho biết.

Kiểm định chất lượng vải để xuất khẩu.

Ở một diễn biến khác, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: "Việc tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang năm nay không quá đáng lo vì chúng ta đã có kế hoạch cụ thể, chủ động ứng phó nếu như tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi".

Ông Tiến cũng khẳng định, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với bộ Công Thương, bộ Tài chính thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề về tiêu thụ nông sản, đặc biệt ở các cửa khẩu biên giới. Chưa kể, bộ đã có văn bản gửi tới Tổng cục Hải Quan Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hàng hoá, không xảy ra tình trạng ứ đọng ở biên giới.

Về việc một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc yêu cầu xét nghiệm với nông sản Việt (có quả vải), Thứ trưởng Tiến cho rằng chưa có một căn cứ khoa học nào chứng minh việc virus Sars-Cov-2 có khả năng lây nhiễm qua sản phẩm nông sản cả, mà nguồn lây từ con người với con người. Bởi vậy, các bộ ngành cũng đã có văn bản gửi sang các nước đối tác để họ tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu nông sản, trong đó có vải thiều.

Ở diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều theo phương án tỉnh đã đề xuất, đến nay công tác phòng chống dịch bệnh để đón các thương lái này đang được triển khai.

Được biết, hiện đã chuẩn bị 8 điểm cách ly y tế cho 190 thương nhân Trung Quốc. 8 điểm cách ly này có sức chứa khoảng 400 người. Tuy nhiên, năm nay, chỉ đề nghị 190 thương nhân được tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đồng ý và Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an cũng có văn bản đồng ý cho 190 thương nhân này sang thu mua vải thiều. Những thương nhân này phải cách ly đủ 21 ngày, không có ngoại lệ.

Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, với gần 80% dân số sống ở các vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Hiện nông sản các loại (dứa, nhãn, vải, cam, bưởi...) của tỉnh tới vụ thu hoạch lên tới hàng trăm nghìn tấn.

Tỉnh này bắt đầu thu hoạch vải chín sớm từ ngày 20/5 đến 10/6 và vải chính vụ từ 10/6 đến 20/7. Sản lượng vụ vải thiều năm nay ước khoảng 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với 2020. 

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh cho biết, mọi công dân, người lưu trú ở những vùng vải như Phúc Hoà (huyện Tân Yên), huyện Lục Ngạn, tất cả F1 sẽ được cách ly ở vùng khác, cách ly ở tỉnh. Những vùng trồng vải sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại 2 huyện trồng vải thiều lớn ở Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã giao cho cấp uỷ và lãnh đạo, yêu cầu người dân ở vùng vải không được ra khỏi địa bàn, hàng quán ở những vùng vải thiều cũng không được phép hoạt động để tập trung cao độ cho công tác sản xuất và tiêu thụ.

Nội bộ vùng trồng vải là nội bất xuất, ngoại bất nhập, trừ những trường hợp cho phép và đảm bảo tối đa các quy định phòng chống dịch. Đối với người từ nơi khác đến vùng trồng vải, thì cấp uỷ huyện thành lập các chốt trạm để bảo vệ vùng vải thiều. Các chốt trạm này đã được phun khử trùng, ghi lịch trình của lái xe và bắt buộc phải khai báo y tế.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mộc Miên (T/h)