Dân sinh

Hỗ trợ công nhân quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp

Thời gian qua, nhiều người lao động trong các khu công nghiệp đã phải chịu ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Niềm mong mỏi lớn nhất của công nhân là sớm được quay trở lại công việc. Ai cũng mong chờ ngày bình thường không còn dịch bệnh trở lại, công nhân được đi làm mỗi ngày, được tăng ca để có mức thu nhập ổn thỏa lo cho gia đình.

Trước thực trạng này, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, bảo đảm sức khỏe cho người lao động đồng thời vẫn tạo điều kiện cho sản xuất.

Chống dịch phù hợp với thực tế địa phương vẫn tạo điều kiện cho sản xuất.

Tại Bắc Giang, đến nay về cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tính đến tối 7/6, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã cho phép 43 doanh nghiệp được hoạt động trở lại, với gần 7.600 công nhân.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp được đi làm trở lại thuộc 4 khu công nghiệp, gồm: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám và Song Khê – Nội Hoàng. Trong đó, có 16 công ty ở Khu công nghiệp Vân Trung, 10 công ty ở Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng, số còn lại ở Đình Trám và Quang Châu.

Tính đến nay, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology có số công nhân lao động trở lại làm việc nhiều nhất, với gần 1.300 người. Còn Công ty TNHH New Hope hiện có số công nhân đi làm trở lại ít nhất, với 24 người, chiếm khoảng 15% tổng số công nhân lao động của công ty.

Công nhân sản xuất trong khu công nghiệp an toàn phòng dịch.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho biết, sau khi hoạt động trở lại, các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch. Không chỉ bố trí đảm bảo giãn cách cho công nhân ngay tại xưởng sản xuất, một số doanh nghiệp còn sắp xếp khu ký túc xá riêng dành cho công nhân, hay cải tạo lại nhà xưởng để làm nơi ăn, ở cho anh chị em công nhân yên tâm lao động sản xuất.

Mặc dù được phép hoạt động trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu lao động. Nguyên nhân được phản ánh là do gặp khó khăn khi đón công nhân ở các địa phương đi làm trở lại qua các chốt kiểm soát dịch.

Trước thực tế này, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các địa phương tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ để doanh nghiệp đón công nhân lao động đủ điều kiện đi làm trở lại theo đúng quy trình đã được ban hành. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Đón một công nhân cũng phải có kế hoạch như đón hàng nghìn công nhân”.

Hiện tại, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tiếp nhận hồ sơ của 157 doanh nghiệp, đã có 51 doanh nghiệp (với trên 8.000 lao động) đủ điều kiện sản xuất an toàn Covid-19 đã được cho phép hoạt động trở lại.

Các địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm lần 2 cho công nhân, xác nhận đủ điều kiện cho công nhân đi làm trở lại đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp đã được cho phép sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa đón công nhân đi làm đảm bảo an toàn.

Thống nhất thực hiện việc xác nhận người lao động đã được theo dõi, quản lý, xét nghiệm sàng lọc về nguy cơ lây nhiễm dịch, đảm bảo đủ điều kiện đi làm trở lại; tổ chức đón người lao động trở lại làm việc cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng - Vân Trung.

Công tác chuẩn bị để công nhân trở lại làm việc được các doanh nghiệp ở Bắc Ninh chuẩn bị rất kỹ.

Tại Bắc Ninh, từ 0h ngày 2/6, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Bắc Ninh thực hiện quy chế phối hợp tạm thời quản lý lao động và người nước ngoài ở lại, ở tạm, làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp và đi lại giữa nơi lưu trú tập trung, cơ sở sản xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm ít nhất 50% số lượng công nhân đi làm việc trong các nhà máy; đồng thời xem xét tạm dừng các dây chuyền sản xuất không cần thiết để giảm đến mức thấp nhất số lượng công nhân đi làm.

Người có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính lần 1 trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính sẽ được đến làm việc tại nhà máy và tiếp tục xét nghiệm theo định kỳ tối thiểu 10% số công nhân viên ở lại nhà máy.

Các công nhân này không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định.

Khu căng-tin của công nhân trong khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).

Các doanh nghiệp phải bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Mặt khác, nơi ở được bố trí lắp đặt, bổ sung thêm các nhà tắm, nhà vệ sinh di động tại các khu vực chưa có sẵn hoặc còn thiếu so với số lượng công nhân; tăng khẩu phần và chất lượng suất ăn cho công nhân viên để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, làm việc cho công nhân, người lao động…

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, trưng dụng trường học trên địa bàn tỉnh để bố trí chỗ ở tạm cho công nhân.

Còn tại Hà Nam, 7 trong 8 khu công nghiệp đang hoạt động với hơn 65 nghìn lao động làm việc, những ngày qua, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch cho toàn thể cán bộ và người lao động. Các công nhân đến làm việc phải thực hiện nghiêm quy định khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào công ty. Ðể bảo đảm an toàn theo quy định phòng, chống dịch, doanh nghiệp đã chia nhỏ nhóm ăn giữa ca của công nhân, các bàn ăn đã bố trí vách ngăn để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo kiên quyết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm toàn bộ cho chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động tại các khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí của chính doanh nghiệp (ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho đối tượng F0, F1), nếu doanh nghiệp nào có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao mà chưa hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, tỉnh sẽ xử phạt theo đúng quy định và yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Công nhân kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào khu vực nhà ở tại Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc).

Ðể đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp về nơi ở cho chuyên gia, người lao động trong các khu công nghiệp, thực hiện mục tiêu vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Hiện tại, Vĩnh Phúc đã sắp xếp hơn 800 phòng ở cho chuyên gia bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch. Ký túc xá Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại được trưng dụng làm nơi ở miễn phí cho công nhân ngoại tỉnh.

Ðến nay, Vĩnh Phúc đã cơ bản bảo đảm các điều kiện về chỗ ở cho chuyên gia, người lao động ở các tỉnh để các doanh nghiệp tại địa phương vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Ban quản lý các khu công nghiệp ở các tỉnh cũng đã triển khai ngay việc thành lập tổ Covid-19 cộng đồng tại các doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các Trung tâm y tế để xây dựng kịch bản ứng phó khi xảy ra dịch tại doanh nghiệp, trong khu công nghiệp.

Quốc Tiệp (t/h)