Tiêu dùng & Dư luận

Hồ tiêu lại rớt giá thảm hại, nông dân buồn không màng mua sắm Tết

Tết Nguyên đán đang cận kề nhưng người trồng tiêu lại vất vả, đứng ngồi không yên vì tiêu rớt giá thảm.

Video: Tiêu mất giá dân khổ sở

Ngày 1/2 (tức 27 Tết), khi mà Tết Nguyên đán đang cận kề, người trồng tiêu lại đang rơi vào cảnh đứng ngồi không yên vì tiêu rớt giá thảm. Theo đó, đợt này giá tiêu hạt chỉ còn ở mức từ khoảng 46.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ đi chi phí nhân công, phân bón,… người nông dân lỗ nặng.

Người trồng tiêu tại Đồng Nai buồn bã vì tiêu rớt giá

Cụ thể, theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 2 năm trở lại đây và đợt trước tết nguyên đán giá tiêu tại các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đang giảm mạnh, giảm hơn đợt trước từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Hiện tại, mức giá phổ biến nằm ở mức 46.000 đồng/kg khiến người nông dân lỗ nặng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người trồng tiêu ở huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT cho biết, cận Tết, người trồng tiêu lại đau đầu vì giá tiêu giảm quá mạnh. Do gắn bó với cây tiêu hơn chục năm và chứng kiến những ngày tháng thăng trầm của cây tiêu nên ông Hùng vẫn không nỡ lòng chặt bỏ loại cây này mà vẫn cố gắng bám trụ.

“Ngày xưa bao nhiêu người giàu lên, xây nhà lầu, sắm xe hơi nhờ cây tiêu, còn 2 năm gần đây, nhiều nhà phá sản, ôm nợ vì cây tiêu. Đúng là làm ăn có thời có thế, trời thương thì cho không thương là chịu. Với giá tiêu hiện nay, gia đình tôi chẳng có Tết nữa, tính chi phí bán 1kg tiêu còn không bằng chi phí bỏ ra”, ông Hùng buồn bã.

Trong khi đó, nhiều người trồng tiêu cho biết, chỉ có những hộ dân trồng tiêu lâu năm mới có thể bám trụ được với cây tiêu, còn những người trồng mới sẽ bị sạt nghiệp, mất hết tất cả. Người trồng tiêu đang cố gắng tìm hướng đi mới bằng cách đổi loại cây trồng để vực lại kinh tế sau 2 năm giá tiêu rớt thảm hại.

Nhiều người dân buồn bã vì cây tiêu

“Tôi vay ngân hàng 200 triệu đồng để làm tiêu từ năm 2015, cứ hy vọng giá loại “vàng đen” này mãi vẫn cao. Ai ngờ khi tiêu của tôi vào mùa thu hoạch thì mất giá nặng khiến cho tôi chỉ đủ chi phí trả nhân công, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Giờ Tết cận kề, nhưng chẳng còn gì trong tay nên chắc là chẳng dám ăn Tết nữa”, bà Hoa Thị Hương - người trồng tiêu ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nói.

Còn vợ chồng chị Thơm (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) lại cho biết, vợ chồng chị vẫn chưa dám sắm sửa gì để đón Tết và quần áo mới cho con cũng chưa thể mua.

Chị Thơm nói, vợ chồng chị gắn bó với cây tiêu được 5 năm nay nhưng đều rơi vào lúc tiêu rớt giá. Hiện, nợ ngân hàng và nợ vay người thân vẫn chưa trả được nhưng lại phải đối mặt với cảnh tiêu tiếp tục rớt giá.

“Đúng là thấy người ta trồng tiêu giàu nên vợ chồng tôi cũng vay mượn mua được 3ha để trồng tiêu. Ai ngờ từ khi trồng loại cây này chưa thấy lãi ở đâu đã thấy ôm nợ. Giờ chỉ mong ngành chức năng có hướng đi cho tiêu thành phẩm để nông dân chúng tôi đỡ khổ. Năm nay tết nhất đến nơi rồi nhưng chẳng có tâm trạng nữa, đúng ra do chẳng có tiền nên đành thế”, chị Thơm buồn bã.

Còn chị Nguyễn Thị Linh ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, người vừa phải chặt bỏ một diện tích tiêu lớn để trồng cây khác cho biết, chị rất buồn, bởi Tết đã đến mà giá tiêu lại quá thấp nên thu hoạch xong phải chặt bỏ để trồng chuối.

“Tôi đã buộc phải chặt bỏ 2ha tiêu chuyển qua trồng chuối cấy mô. Hy vọng cây này giúp gia đình tôi có lợi nhuận và sẽ có cái Tết ấm áp hơn”, nông dân Nguyễn Thị Linh chia sẻ.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2013 - 2015, giá tiêu cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nhà nông nên nông dân ồ ạt tăng diện tích. Hiện toàn tỉnh có 15.000ha hồ tiêu và cao gấp đôi so với quy hoạch.

Trước thực trạng giá tiêu giảm, chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân không chặt bỏ, chuyển đổi qua cây trồng khác một cách ồ ạt để tránh rủi ro.

Còn hội Hồ tiêu tỉnh BR-VT cũng nhận định, giá tiêu ở mức thấp nguyên nhân là do diện tích hồ tiêu ở BR-VT vượt quy hoạch. Hiện trên địa bàn tỉnh BR-VT có 11.000ha trồng tiêu, trong khi quy hoạch là 7.000ha, dẫn đến cung vượt cầu nên tiêu thành phẩm quá nhiều dẫn đến số lượng giảm.