Thế giới

"Hồ sơ Pandora" tiết lộ tài sản ngoại biên khổng lồ của giới tinh hoa

Khối dữ liệu khổng lồ của “Hồ sơ Pandora” đã hé lộ lượng tài sản của các chính khách, tỷ phú và nhiều nhân vật quan trọng tại các "thiên đường thuế".

Vừa qua, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố “Hồ sơ Pandora” - một khối dữ liệu khổng lồ với dung lượng 2,94 terabyte chứa thông tin về tài sản ngoại biên của hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách của Forbes, cùng với đó là nhiều người nổi tiếng, trùm ma túy, thành viên hoàng gia và lãnh đạo tôn giáo đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Trong số các chính trị gia và quan chức có tên trong Hồ sơ Pandora, có 35 nguyên thủ quốc gia cùng nhiều đại sứ, bộ trưởng, thống đốc ngân hàng trung ương và tướng lĩnh cao cấp. Thêm vào đó, 130 tỷ phú từ 45 quốc gia cũng có tên trong dữ liệu được công bố lần này. 

Phân bổ theo quốc gia của các chính khách có tên trong Hồ sơ Pandora. Nguồn: ICIJ

Power Players, một phân mục trên trang web của ICIJ, đã điểm lại các nhân vật đáng chú ý trong Hồ sơ Pandora. Danh sách này bao gồm Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš, Vua Abdullah II của Jordan, Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và một phụ nữ Nga tên Svetlana Krivonogikh, tình nghi liên quan đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Ông Andrej Babiš bị cáo buộc đã đưa 22 triệu USD ra nước ngoài và bí mật mua một khu biệt thự rộng khoảng 3,8 ha ở Pháp trong khi không kê khai những tài sản này ở Séc và cam kết minh bạch, chống trốn thuế ở quốc gia ông đang lãnh đạo.

Tổng thống Ukraine Zelensky thì được cho là sở hữu tài sản tại một công ty ma ở Quần đảo Seychelles tại Anh; ông Zelensky đã chuyển giao tài sản này cho một cố vấn thân cận tên Sergiy Shefir 1 tháng trước khi nhậm chức. 

Mục Power Players của ICIJ cho phép người đọc xem danh sách các chính khách có tên trong Hồ sơ Pandora. Nguồn: ICIJ

11.9 triệu bản ghi trong số gần 3 terabyte dữ liệu của Hồ sơ Pandora đến từ chỉ 14 nhà cung cấp dịch vụ di chuyển và lưu trữ tài sản ở nước ngoài thông qua các công ty ma, quỹ tín thác và các loại thực thể khác ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có mức thuế thấp hoặc bằng không - còn được gọi là “thiên đường thuế”. Phần lớn dữ liệu được tổ chức lần này được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2020. Hơn một nửa dữ liệu là các tài liệu, trong khi dữ liệu có tổ chức chiếm chỉ khoảng 4%.

Cuộc điều tra nhằm tổng hợp Hồ sơ Pandora đã được ICIJ tổ chức thực hiện trong gần 2 năm, tập hợp hơn 600 nhà báo từ 117 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dữ liệu của Hồ sơ Pandora lớn hơn so với dung lượng của Hồ sơ Panama năm 2016 (2,6 terabyte) và Hồ sơ Paradise năm 2017 (1,4 terabyte). Thêm vào đó, Hồ sơ Pandora cũng có nhiều nguồn dữ liệu hơn và xác định được số công ty và chính khách có liên quan gấp khoảng 2 lần so với Hồ sơ Panama.

ICIJ cũng đã nhắc lại tuyên bố rằng việc thành lập công ty ngoại biên hoàn toàn có thể hợp pháp và vì lý do chính đáng, và không phải tất cả các tổ chức và cá nhân có tên trong các hồ sơ của ICIJ đang vi phạm pháp luật hay có hành vi không đúng đắn. 

Ở thời điểm hiện tại, dữ liệu từ Hồ sơ Pandora chưa được ICIJ đưa vào cơ sở dữ liệu chung của tổ chức này về tài sản ngoại biên. Do đó, chưa có thông tin về tổ chức hay cá nhân nào sống tại Việt Nam hay đặt trụ sở tại Việt Nam được nhắc tới trong đợt công bố dữ liệu này. 

Tùng Phong