Dân sinh

Hộ nghèo nhận bò hỗ trợ sau 5 ngày thì phát hiện bị lở mồm long móng

Sau 5 ngày nhận bò hỗ trợ hộ nghèo ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), người dân phát hiện nhiều con bò đã bị lở mồm long móng.

Liên quan đến bài viết Kiểm tra việc đàn bò hỗ trợ hộ nghèo bị lở mồm long móng ở Thừa Thiên-Huế, mà Người Đưa Tin đã đăng tải trước đó, ngày 22/12, thông tin với PV, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về vấn đề này.

Một con bò hỗ trợ người dân bị lở mồm long móng đang được điều trị.

Theo báo cáo, sau khi nhận được thông tin về việc một số bò hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới (thuộc nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) chết do dịch bệnh, Ban Dân tộc đã tổ chức Đoàn kiểm và làm việc với UBND huyện A Lưới.

Theo báo cáo, trong khuôn khổ tiểu dự án 2, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện A Lưới đã giao cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn huyện theo hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ (Điều 23, Nghị định 27/NĐ-CP).

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới đã hợp đồng với Công ty TNHH TM Bình An (tỉnh Bình Định) cung ứng giống bò với số lượng 140 con cấp cho 70 hộ/11 xã của huyện A Lưới ngày 28/11. 

Đến ngày 02/12 (tức 5 ngày sau khi nhận bò-PV), người dân phát hiện một số bò bị bệnh lở mồm long móng ở xã Trung Sơn và sau đó phát hiện thêm bò bị bệnh ở 06 xã (Lâm Đớt, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Bắc, A Roàng, Hồng Thượng) với số tổng số 69 bò bị bệnh lở mồm long móng của 41 hộ. Trong số đó có 06 con đã chết, theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết là do bị bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng.

Báo cáo nêu, theo Hợp đồng cung ứng, tổng số 140 bò này đang trong giai đoạn cách ly theo dõi tại hộ gia đình, chưa tổ chức nghiệm thu.

Hiện công ty TNHH TM Bình An đã có hợp đồng với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện A Lưới thực hiện giám sát, theo dõi, tiêm phòng cho đàn bò; cam kết chịu toàn bộ chi phí điều trị, bồi thường hao mòn bò bị bệnh, thay thế bò bị bệnh chữa không khỏi dẫn đến chết.

Đồng thời, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác điều trị, tiêm phòng vắc - xin, phun tiêu độc khử trùng, nhất là các xã đã xảy ra bệnh lở mồm long móng. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vắc -xin lở mồm long móng đã đạt 75% trên toàn huyện; 63 con mắc bệnh đã được điều trị khỏi triệu chứng lở mồm long móng và được hộ gia đình tiếp tục theo dõi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã làm việc với UBND huyện A Lưới và đề nghị tiếp tục tăng cường chỉ đạo để điều trị khỏi bệnh đàn bò, đơn vị cung ứng bò giống thực hiện đúng cam kết hợp đồng, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt việc cung ứng bò giống nói riêng, giống cây trồng và vật nuôi nói chung, trong việc thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Như trước đó đã đưa, theo báo cáo từ xã Trung Sơn (huyện A Lưới), địa phương được cấp 20 con bò thuộc gói hỗ trợ cho hộ gia đình đăng ký thoát nghèo năm 2022.

Tuy nhiên, đến ngày 12/12, toàn bộ 20 con bò do Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  hỗ trợ trên địa bàn xã đã bị nhiễm bệnh lở mồm long móng.

Qua thống kê sơ bộ của UBND xã Trung Sơn, trong tổng số 20 con bò bị bệnh thì đến thời điểm này đã có 3 con chết, 17 con đang bị bệnh. Không chỉ vậy, những con bò bị bệnh này đã lây lan dịch bệnh sang cho 3 con bò của hộ dân khác.

Lê Kông