Chính sách

Hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay hỗ trợ nhà ở không quá 40 triệu

Hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay hỗ trợ nhà ở đến 40 triệu đồng là nội dung tại Nghị định 28/2022/NĐ-CP.

Ngày 26/4, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về cho vay hỗ trợ đất ở và nhà ở. Cụ thể, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay.

Về mục đích sử dụng vốn vay, khách hàng được vay vốn để sử dụng vào việc trang trải chi phí để có đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở.

Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất ở, 40 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ nhà ở.

Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng tối đa là 15 năm. Trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Các đối tượng trên nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định cũng được vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề.

Đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:. Cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;. Thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay; Đối tượng vay vốn chỉ được thụ hưởng một trong hai chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề.

Mức cho vay hỗ trợ đất sản xuất do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 77,5 triệu đồng/hộ. Mức cho vay chuyển đổi nghề do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. Mức cho vay chi phí học nghề tối đa bằng mức cho vay áp dụng đối với chính sách tín dụng học sinh, sinh viên quy định trong từng thời kỳ.

Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa là 10 năm. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể chính sách cho vay cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tuệ Minh