Tâm sự

Hình hài của tình yêu

Người ta nói, cha mẹ nào mà chẳng yêu thương con. Nhưng, hình hài của tình yêu như thế nào không phải ai cũng biết. Kết quả là biết bao cha mẹ đã lầm đường lạc lối trong mê cung của yêu thương.

Mẹ tôi kể, bà ngoại là một người phụ nữ chiều con tới mức, dù gia đình thuần nông, mẹ tôi 17 tuổi vẫn chưa biết làm gì ngoài chăm em. Bà mất khi mới hơn 40, để lại 5 đứa con, mẹ tôi lớn nhất 17 tuổi, dì út tôi 7 tuổi, không ai biết làm nông nghiệp. Cô ruột của mẹ tôi khi ấy thay chị dâu dạy cháu, cầm tay chỉ việc cho mẹ tôi từ trồng trọt cấy hái, thu hoạch, đi chợ, làm mắm, nấu cơm.

Năm chị em nhà mẹ tôi đùm bọc nhau lớn lên, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, rồi bằng cách nào đó đều nối tiếp truyền thống chiều con của bà ngoại tôi như thể thói quen từ tâm thức. Mẹ tôi sinh ra tôi, các cậu các dì tôi sinh ra 5 cô con gái nữa. Sáu chị em họ tôi đều được bao bọc, yêu chiều, được đầu tư cho học hành dù cha mẹ không dư dả gì. Câu cửa miệng của mẹ tôi, dì tôi và các cậu tôi là “bố/mẹ yêu con”. Mặc dầu vậy, chúng tôi không ai hư hỏng, chơi bời. Đứa nào cũng học hành chỉn chu, tự lập, chủ động trong cuộc sống, ít khi làm cha mẹ lo lắng phiền não về mình.

Ảnh minh họa.

 Có thể do duyên lành đã mang chúng tôi tới với cha mẹ mình vì mối nợ ân tình từ kiếp trước. Hoặc cũng có thể do được yêu thương quá mà chúng tôi không bao giờ nỡ để cha mẹ phải rơi nước mắt vì chúng tôi. Tình yêu ấy như bó đuốc soi đường cho chúng tôi đi, như ngọn hải đăng sừng sững vững chãi bên bờ biển để chúng tôi hướng về, như bóng cây thâm trầm để chúng tôi nép mình trú ẩn sau những giông bão cuộc đời. Cứ mỗi khi chúng tôi vấp ngã, người mà chúng tôi nghĩ đến chính là cha mẹ của mình. Bởi chúng tôi biết, dù mình đúng hay sai, cha mẹ vẫn dang rộng vòng tay vỗ về an ủi, thậm chí bênh vực và thiên vị chúng tôi theo cách vô lý nhất.

Công việc khiến tôi tiếp xúc và tham vấn với nhiều người chịu tổn thương từ gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau: người bị bạo hành thể xác, người bị kiểm soát áp đặt, người bị bao bọc đến nghẹt thở... Nhưng, họ luôn có một điểm chung là không được cha mẹ nói lời yêu thương.

Tôi từng đứng giữa ngã tư của mê cung dạy con. Đủ thứ phương pháp Nhật, Mỹ, Trung, Do Thái, kỷ luật không nước mắt lẫn đệ tử quy. Các phương pháp đối chọi nhau, thậm chí đả kích nhau, nhưng chung quy lại thì cùng bám vào một chiếc mỏ neo mang tên yêu thương. Nhưng giữa yêu thương và biểu hiện yêu thương luôn là một khoảng cách. Cha mẹ nào chẳng yêu thương con, nhưng bày tỏ tình yêu ấy như thế nào thì không ít cha mẹ hoang mang. Và rất nhiều người đã lạc lối, sai đường, để lại những vết sẹo không bao giờ có thể chữa lành trong tâm trí con trẻ.

Mẹ tôi và các anh chị em của mình chưa từng tiếp cận bất kỳ phương pháp dạy con nào. Họ dạy chúng tôi bằng bản năng của tình yêu, thứ tình yêu mà bà ngoại tôi đã dành cho các con từ lúc hoài thai tới ngày bà đoản mệnh. Tôi thường ngẫm nghĩ, phải chăng vì cha mẹ của chúng tôi đã được yêu thương đầy đủ nên họ cũng biết cách yêu thương đầy đủ con cái của mình mà chẳng cần phải dụng công? Cũng nhờ tình yêu của họ mà chúng tôi biết được hình hài của yêu thương. Yêu thương thực ra đơn giản vô cùng, đó là thấu hiểu và ở bên. Khi có thấu hiểu và ở bên, kỷ luật hay chiều chuộng chỉ đơn thuần là công cụ phụ trợ mà thôi.

Hồng Hà